Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, đến nay ghi nhận 80.567.757 ca mắc và 973.119 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới - 42.924.102 ca.
Người dân di chuyển trên đường phố tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 28/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 435.653.289 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.967.441 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 366.093.507 người, trong khi vẫn còn 75.422 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.567.757 ca mắc và 973.119 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới - 42.924.102 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới - 649.195 ca.
Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca mắc cao nhất, 7 nước còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp (22.689.332 ca), Anh (18.804.765 ca), Nga (16.291.116 ca), tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 14.728.752 ca và 14.025.181 ca, Italy ghi nhận 12.764.558 ca và Tây Ban Nha có 10.977.524 ca.
Tới hết ngày 27/2, tổng số ca mắc COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á là trên 18.136.461 trường hợp và 318.653 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á những ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Trong ngày 27/2, ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh.
Hiện đã có ít nhất 9 nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Tại Indonesia, chính phủ nước này đang lên kế hoạch thử nghiệm chương trình miễn cách ly đối với du khác quốc tế đến Bali.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia - ông Luhut Binsar Pandjaitan thông báo bắt đầu từ ngày 14/3, Chính phủ Indonesia sẽ triển khai chương trình thí điểm miễn cách ly đối với du khách quốc tế đến hòn đảo nghỉ dưỡng Bali với một số điều kiện nhất định.
Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Panjaitan cho biết chương trình thí điểm có thể được triển khai trước ngày 14/3 nếu Chính phủ Indonesia nhận thấy diễn biến tích cực trong tuần tới khi số ca mắc mới COVID-19 ở Bali tiếp tục giảm.
Theo ông Panjaitan, du khách nước ngoài sẽ phải xuất trình chứng nhận thanh toán tiền đặt phòng khách sạn trong ít nhất 4 ngày nếu muốn đến Bali, trong khi những người Indonesia từ nước ngoài đến Bali cần cung cấp bằng chứng về nơi ở trên hòn đảo này.
Khách quốc tế tại sân bay Ngurah Rai ở Bali, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngoài ra, du khách quốc tế muốn đến Bali cũng phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc được tiêm mũi vaccine tăng cường, bên cạnh yêu cầu thực hiện xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và chờ kết quả xét nghiệm âm tính tại khách sạn.
Bộ trưởng Pandjaitan nêu rõ: “Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, du khách quốc tế sẽ được phép thực hiện những hoạt động khác theo các quy định y tế,” đồng thời khuyến cáo những người này nên thực hiện lại xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba tại khách sạn.
Cũng theo quan chức Indonesia, yêu cầu có người bảo lãnh cho các yêu cầu cấp thị thực điện tử du lịch sẽ bị hủy bỏ bởi vì quy định này được coi là gánh nặng đối với du khách nước ngoài.
Bộ Y tế Cuba ngày 27/2 cho biết nước này vừa đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp không có ca tử vong nào do COVID-19.
Trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc Caribe này ghi nhận thêm 630 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay lên 1.069.387 người.
Theo thống kê chính thức, 1.058.160 bệnh nhân trong số này đã được chữa khỏi, đạt tỷ lệ 99%. Cuba hiện chỉ còn 2.674 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Chính phủ Cuba nhận định yếu tố lớn nhất đóng góp vào thành công của nước này trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại là các vaccine do Cuba tự sản xuất, gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng rộng rãi ngay khi các vaccine này được thử nghiệm thành công và được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước.
Gần 90% trong số 11,180 triệu người dân Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi khoảng 6 triệu người đã được tiêm liều thứ tư./.
Theo Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-dich-covid19-sang-282-the-gioi-co-gan-6-trieu-ca-tu-vong/775344.vnp