Triển lãm "Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - Viết tiếp những ước mơ" lựa chọn các dấu ấn nổi bật của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, khắc họa qua những con số, hình ảnh tư liệu lịch sử trong chặng đường dài gần một thế kỷ mà Hội đã đi qua.
Triển lãm "Hội LHPN Việt Nam - Viết tiếp những ước mơ" chào mừng Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 (do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức) khai mạc sáng 9/3, tại Hà Nội.
Triển lãm có 3 chủ đề trưng bày: "Hội LHPN Việt Nam – dấu ấn những chặng đường"; "Hội LHPN Việt Nam – dấu ấn nhiệm kỳ 2017-2022" và "Hướng tới tương lai".
Triển lãm đã khắc họa lại những lát cắt, những khoảnh khắc và dấu ấn tiêu biểu trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam qua những con số, hình ảnh tư liệu lịch sử, từ đó cùng nhìn lại chặng đường dài gần một thế kỷ mà Hội đã đi qua.
Đặc biệt, triển lãm nhấn mạnh những dấu ấn nổi bật của nhiệm kì Đại hội XII với những hoạt động thiết thực, có tính thời sự và lan tỏa bền vững. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực lãnh đạo phong trào Hội từ Trung ương đến địa phương; là sự đoàn kết hưởng ứng, sáng tạo của triệu triệu hội viên, phụ nữ cả nước trong bối cảnh hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Triển lãm lựa chọn 8 dấu ấn nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ 2017-2022 gồm: An toàn cho phụ nữ và trẻ em; Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch - xây dựng Nông thôn mới; Chung tay vượt qua thiên tai, đại dịch COVID-19; Để phụ nữ vươn tầm quốc tế; Chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong các phong trào hoạt động Hội.
Một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2017-2022 là chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" (được khởi xướng và phối hợp thực hiện từ năm 2018). Đến nay, với nhiều hoạt động thiết thực, tại 255 xã được nhận hỗ trợ từ Chương trình đã có gần 400 mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; gần 1.100 công trình dân sinh; gần 6 triệu con giống, gần 19.000 cây giống các loại đã đến tay phụ nữ nghèo. Chương trình cũng tổ chức khám chữa bệnh cho gần 12.000 lượt phụ nữ, trẻ em; trao tặng hơn 43.000 suất quà và học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó... Những hoạt động hỗ trợ thiết thực đã giúp phụ nữ khu vực biên giới nói riêng và nhân dân vùng biên nói chung thêm phấn khởi, tin tưởng và ngày càng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Theo Nhật Nam/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/khai-mac-trien-lam-hoi-lien-hiep-phu-nu-viet-nam-viet-tiep-nhung-uoc-mo-102220309144920251.htm