Lễ hội Hoa Ban từ lâu đã trở thành niềm tự hào trong tiềm thức của mỗi người dân Điện Biên. Lễ hội không chỉ khắc họa rõ nét vẻ đẹp văn hóa, tinh thần của hoa Ban trong đời sống của đồng bào các dân tộc, mà còn trở thành điểm nhấn, mang đến sự bứt phá trong phát triển kinh tế du lịch.
Lễ hội Hoa Ban Điện Biên được tổ chức lần đầu vào năm 2014. Qua 8 mùa Ban nở và 6 lần tổ chức, đến nay, Lễ hội Hoa Ban đã trở thành 1 sản phẩm đặc trưng của du lịch tỉnh nhà, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây khi giới thiệu về mảnh đất nơi mình sinh sống. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Lễ hội Hoa Ban phải tạm dừng tổ chức trong sự tiếc nuối của người dân và du khách. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của địa phương - ngành kinh tế vốn được xem là thế mạnh của mảnh đất lửa này.
Năm nay, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới, Lễ hội Hoa Ban được tái khởi động, bắt đầu từ ngày 13/3 tới, dù quy mô phải thu hẹp do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức Lễ hội hoa Ban đã tạo sự phấn khởi trong cộng đồng nhân dân các dân tộc nơi đây.
Chị Đỗ Thị Hòa, người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Lễ hội Hoa Ban phải dừng tổ chức nhiều năm nay khiến tôi và nhiều người dân ở Điện Biên cảm thấy rất buồn, bởi từ lâu, cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ thì Lễ hội Hoa Ban cũng là niềm tự hào của quê hương chúng tôi. Năm nay lễ hội được diễn ra người dân cảm thấy vô cùng vui mừng, phấn khởi. Bởi vì qua việc tổ chức lễ hội sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến với Điện Biên".
Chị Phạm Thị Thi, người dân thành phố Điện Biên Phủ cũng cho biết: "Năm nay Lễ hội Hoa Ban được tổ chức dù quy mô có bị thu hẹp, mọi người ra đường vẫn phải đeo khẩu trang song người dân ai cũng rất phấn khởi bởi qua việc tổ chức lễ hội sẽ thu hút lại được khách du lịch đến với Điện Biên để mọi người có thể hiểu hơn về con người cũng như những phong tục, tập quán ở nơi đây".
Theo Ban tổ chức Lễ hội hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2022, dù bị hủy nhiều chương trình có tính thu hút sự quan tâm của nhiều người, như cuộc thi Người đẹp Hoa Ban và một số hoạt động phần hội trong Lễ khai mạc, song Lễ hội hoa Ban năm nay sẽ vẫn có điểm nhấn là Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề "Lung linh miền hoa Ban" gồm 3 chương: "Lung linh miền hoa Ban", "Vũ khúc miền Tây Bắc" và "Điện Biên xin chào". Chương trình sẽ có 12 cảnh diễn, thể hiện nét đẹp từ huyền thoại, lịch sử đến hiện tại, tương lai của miền đất hoa Ban - Điện Biên, giới thiệu về một Điện Biên năng động đang phát triển, bứt phá, giàu lòng mến khách, mời gọi nhà đầu tư, du khách...
Chị Quàng Thị Quỳnh Anh, Biên đạo múa, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên cho biết: Gần 1 tháng qua, hơn 200 diễn viên chuyên và không chuyên cùng nhiều nghệ nhân khác đã vượt qua mọi khó khăn về dịch bệnh, dốc sức luyện tập để đem đến cho du khách một chương trình nghệ thuật hoàn hảo và ấn tượng nhất.
"Thời gian rất gấp rút và dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều, thế nhưng về con người thì ban lãnh đạo đoàn luôn luôn cố gắng liên hệ tất cả mọi thứ từ diễn viên, con người, mọi thứ huy động hết sức có thể để tập một cách cật lực ngày 3 buổi sáng, chiều, tối. Tất cả đều có một mục tiêu duy nhất là sẽ có một buổi khai mạc Lễ hội Hoa Ban thật hoành tráng và hoàn hảo nhất", chị Quàng Thị Quỳnh Anh cho biết thêm.
Qua 6 lần tổ chức, đến nay, Lễ hội Hoa Ban đã được tỉnh Điện Biên nâng tầm lên thành sự kiện văn hóa, du lịch không chỉ là ngày hội của riêng của đồng bào dân tộc Thái - dân tộc chiếm số đông ở Điện Biên, mà đã trở thành ngày hội của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Từ khi phục dựng tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 và có những đổi mới linh hoạt trong nhiều lần tổ chức, Lễ hội Hoa Ban đã tạo sự đột phá về phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Trong các tháng từ tháng 2 đến tháng 5 (thời gian diễn ra Lễ hội hoa Ban), lượng khách du lịch đến Điện Biên và tổng thu từ hoạt động du lịch đều tăng từ 15-20% so với thời điểm khác. Ước tính tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên trong 4 tháng này năm 2019 đã đạt hơn 845.000 lượt, tăng gấp 2 lần so với thời điểm này ở lần đầu tổ chức năm 2014 (trong đó có khoảng 183.000 lượt khách quốc tế).
Tổng thu từ dịch vụ du lịch năm 2019 cũng đạt hơn 1.360 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm tổ chức ban đầu. Với những tín hiệu khả quan về phục hồi du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt hiện nay, Lễ hội Hoa Ban với công tác chuẩn bị chu đáo, công phu hứa hẹn sẽ mang lại dấu ấn mới cho du lịch tỉnh nhà sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Công tác tổ chức lễ hội đến giờ phút này có thể nói đã đảm bảo tiến độ. Hiện nay về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, tất cả các nội dung chúng tôi đã đáp ứng được kể cả không gian trưng bày quảng bá sản phẩm văn hóa du lịch thì chúng tôi đã dựng được hơn 50 gian hàng, cuộc triển lãm ảnh “Theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ chuẩn bị sẵn sàng các nội dung. Việc không tổ chức nhiều hoạt động khác trong Lễ hội Hoa Ban và đặc biệt năm nay cắt giảm Cuộc thi Người đẹp hoa Ban do dịch bệnh Covid-19 thì chúng tôi hẹn với du khách sẽ tổ chức trong các năm tới khi dịch bệnh được kiểm soát", Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nói.
Với việc lựa chọn ngày 13/3 hàng năm là ngày khai mạc, gắn với ngày quân đội ta nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; đây cũng là thời điểm hoa Ban nở trắng các sườn đồi, Lễ hội Hoa Ban đã thực sự mang đến thương hiệu riêng, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung với bạn bè trong nước, quốc tế./.
Theo Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/van-hoa/le-hoi-hoa-ban-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-dien-bien-post929472.vov