Với những nỗ lực vượt khó để đưa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, năm 2021, anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vinh dự được nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng.
Nằm tít trên đồi cao, ngay giữa những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), khu du lịch cộng đồng độc đáo mang tên "Hello Mù Cang Chải" được rất nhiều du khách biết đến. Đây là công trình, sản phẩm du lịch chứa đựng tâm huyết của hai vợ chồng trẻ người Mông - anh Giàng A Dê và chị Vàng Thị Lỳ.
Du khách trải nghiệm cuộc sống với đồng bào địa phương.
Giàng A Dê sinh năm 1989, vốn tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp viễn thông; thế nhưng đến năm 2017, khi nhận thấy những tiềm năng về du lịch ở quê hương mình là rất lớn, Dê đã bàn với vợ và quyết định nghỉ việc, bắt đầu làm du lịch.
Giàng A Dê tâm sự khi xây dựng mô hình du lịch tại nơi mà nhiều năm trước chỉ là những thửa ruộng khô cằn, bị bỏ hoang; vượt qua những định kiến và vô vàn khó khăn, hai vợ chồng chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc: "Gia đình, bản làng người ta không ủng hộ. Họ nói rằng đồi này từ trước chưa có ai làm được, bây giờ mà làm chắc chắn là không được, tạo ra một áp lực rất lớn".
Giữa khó khăn trăm bề, Dê may mắn được vợ sát cánh ủng hộ và quyết tâm cùng thực hiện. Từ chọn đất làm nhà nghỉ, huy động vốn, cách thức phục vụ khách, nấu ăn, giao tiếp với khách, tổ chức tour… hai vợ chồng vừa làm vừa học hỏi dần để ngày một tốt hơn. Vậy nên chỉ sau một thời gian ngắn, homestay "Hello Mù Cang Chải" đã được nhiều du khách biết đến. Những năm đầu, cơ sở du lịch của A Dê đã đón bình quân khoảng 500 lượt khách mỗi năm; 1-2 năm gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách có ít hơn, song "Hello Mù Cang Chải" vẫn là địa chỉ quen thuộc với những ai có dịp đến miền đất xinh đẹp này.
Giàng A Dê đã truyền cảm hứng làm du lịch cộng đồng đến người dân địa phương.
Khi mọi việc dần ổn định, vợ chồng Dê bắt đầu quyết định "mạo hiểm” là chồng ở nhà vừa quản lý, cải tạo, xây dựng cảnh quan cho homestay, vừa tự học tiếng Anh; còn vợ đi Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng để học hỏi thêm. Nhờ học mày mò trên sách, trên mạng, được du khách hướng dẫn những từ đơn giản nhất trong tiếng Anh để khắc phục dần dần; đến thời điểm này Giàng A Dê có thể giao tiếp cơ bản được với người nước ngoài, phục vụ khách tốt hơn.
Với khẩu hiệu "Đi là thích, đến là mê”, cơ sở du lịch của vợ chồng A Dê đến nay đã được rất nhiều người biết đến. Đến "Hello Mù Cang Chải", du khách không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn, mà còn được tham gia các sản phẩm du lịch độc đáo như nấu ăn cùng người bản địa, đi suối bắt cá, xuống ruộng bậc thang cày cấy, dạy tiếng Anh cho trẻ em trong bản...
Bạn Nguyễn Hồng Anh, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Đến đây nhóm chúng em được trải nghiệm cuộc sống của người bạn địa rất độc đáo. Lần đầu tiên được lội ruộng, được bắt cá rồi nướng cá... Chúng em cũng thu được rất nhiều bài học thực tế về văn hóa bản địa, phục vụ cho chuyên ngành của mình".
Vợ chồng A Dê dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ.
Làm du lịch không chỉ để tăng thu nhập cho bản thân, mà mong muốn của vợ chồng A Dê là mọi người trong bản, trong xã sẽ nhìn và làm theo, xây dựng quê hương hết đói nghèo. Tổ hợp tác du lịch do Dê làm tổ trưởng từ suy nghĩ ấy mà liên tục chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng. Và mặc dù công việc bận rộn, cặp vợ chồng trẻ người Mông này vẫn sắp xếp thời gian tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho những bạn trẻ trong xã, với mục đích đưa các em trở thành những hướng dẫn viên du lịch phục vụ ngay tại địa phương.
Dự định của vợ chồng Dê thời gian tới là tiếp tục mở rộng các dịch vụ mới để khách đến trải nghiệm, nhất là vào mùa nước đổ, "mùa vàng" trên những thửa ruộng bậc thang đẹp huyền ảo; tiếp tục truyền cảm hứng cho cộng đồng để phát triển du lịch một cách bền vững, từ đây quê hương ngày một giàu đẹp hơn./.
Theo Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/du-lich/giang-a-de-truyen-cam-hung-lam-du-lich-o-vung-cao-post930301.vov