Trong bộ phim tài liệu "Writing with Fire," các nữ nhà báo của tờ Khabar Lahariya đã vượt qua rào cản xã hội để phơi bày những câu chuyện mà các hãng truyền thông lớn tại Ấn Độ thường phớt lờ.
Các nữ nhà báo Ấn Độ dùng điện thoại để ghi hình phỏng vấn một người dân nghèo. (Nguồn: idfa.nl)
Một nhóm nữ nhà báo vùng nông thôn Ấn Độ đang đứng trước cơ hội có thể mang đến cho đất nước yêu điện ảnh bộ phim đoạt giải Oscar lần đầu tiên sau khi những ghi chép của họ trở thành chất liệu chính trong bộ phim tài liệu "Writing with Fire" được giới chuyên môn đánh giá cao.
Các nữ nhà báo của tờ Khabar Lahariya đã thu hút được một lượng lớn người theo dõi trên khắp Uttar Pradesh, bang miền Bắc Ấn Độ, xoay quanh hàng loạt vấn nạn từ trộm bò đến bạo lực tình dục và tham nhũng.
Họ nhận được sự tôn trọng của cộng đồng khi dũng cảm vượt mọi khó khăn và sự phản đối của cả người thân để phơi bày những câu chuyện mà các hãng truyền thông lớn thường phớt lờ.
Những nỗ lực của họ là chủ đề của bộ phim tài liệu "Writing with Fire." Tác phẩm này được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất.
Trước đó, vào cuối tháng 1 năm nay, phim đã giành được Giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan phim Sundance ở Mỹ.
Để có được thành quả này, nhóm nữ nhà báo đã chuyển đổi từ cách làm báo cũ sang sản xuất theo hướng kỹ thuật số. Họ cũng không ngần ngại tìm gặp những cảnh sát đã bị sa thải và thậm chí chạm trán với các đối tượng xấu có thế lực tại địa phương.
Phát biểu trước Lễ trao giải Oscar, đạo diễn phim Rintu Thomas nhấn mạnh: "Writing with Fire là một thước phim truyền cảm hứng mạnh mẽ. Đó là câu chuyện về những người phụ nữ thắp lên hy vọng."
Cũng như nhiều nữ đồng nghiệp, phóng viên Geeta Devi - một trong số các cây bút trong nhóm nhà báo nói trên - hiện là thành viên của Dalit, một cộng đồng ở thứ hạng thấp nhất trong hệ thống phân cấp xã hội ở Ấn Độ.
Trong "Writing with Fire," Devi đã tới Banda, một thị trấn ven sông cách Taj Mahal vài giờ lái xe, để phỏng vấn một phụ nữ nghèo bị chồng bỏ rơi.
Khi biết cô đang có mặt ở thị trấn này, nhiều người đã tiếp cận và đề nghị cô đưa tin về hoàn cảnh của họ, như sự thờ ơ của chính quyền địa phương dẫn tới tình trạng thiếu nước sạch và mất vệ sinh môi trường.
Một số khác chia sẻ về việc họ là nạn nhân của bạo lực và quấy rối tình dục - những vấn đề thường bị che đậy trước sức nặng của sự kỳ thị ở thị trấn nhỏ này.
Sự phân biệt đối xử chính thức đối với người Dalit đã bị xóa bỏ cách đây rất lâu, nhưng trên thực tế họ vẫn thường bị cấm đến các đền thờ hoặc tới nhà của những người ở các tầng lớp cao hơn trong xã hội, và chính họ vẫn là nạn nhân của tình trạng bạo lực.
Ấn Độ là nước sản xuất phim nhiều nhất thế giới. Mặc dù có những bộ phim nước ngoài được quay tại Ấn Độ như "Gandhi" và "Slumdog Millionaire" (Triệu phú ổ chuột) từng đoạt giải Oscar trong những năm qua, nhưng chưa có một bộ phim hay phim tài liệu nào do nước này sản xuất giành được một giải thưởng này./.
Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/phim-tai-lieu-cua-cac-nu-nha-bao-an-do-co-co-hoi-doat-giai-oscar/778929.vnp