Cập nhật: 17/03/2022 07:30:00
Xem cỡ chữ

Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (từ ngày 20 đến 25-1-1994), Đảng ta xác định 4 nguy cơ cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta, đó là: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; chệch hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); nạn tham nhũng và tệ quan liêu; "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết, tác động lẫn nhau.

Sau gần 30 năm, vì sao Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Vậy nhận diện nguy cơ trong tình hình mới thế nào? Giải pháp nào để đẩy lùi, giữ vững sự trường tồn của dân tộc, giữ vững chế độ XHCN? Trong loạt bài này, chúng tôi chỉ góp một góc nhìn để nhận định, phân tích, làm rõ hơn vấn đề nêu trên để thêm vững tin vào con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Bài 1: Nguy cơ “chệch hướng” và “người thuyền trưởng” vững lái

Với sứ mệnh là "người thuyền trưởng", trong suốt 92 năm chèo lái “con thuyền cách mạng” nước ta, có lúc, có thời điểm Đảng ta cũng phạm những sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần thẳng thắn, Trung ương Đảng đã không hề che giấu khuyết điểm mà luôn nhìn thẳng vào sự thật, kịp thời điều chỉnh để vững lái đưa cách mạng Việt Nam liên tục phát triển, đạt nhiều thành tựu to lớn.

Những “khúc cua” lịch sử và Đảng không giấu khuyết điểm

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 92 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi, lập nên nhiều kỳ tích trong các thời kỳ cách mạng.

Thế nhưng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trước những “khúc cua” lịch sử ở từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, Đảng ta cũng từng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, thậm chí là nghiêm trọng. Trong cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc (1953-1956), khi nhận ra những sai lầm, Trung ương Đảng đã họp tự kiểm điểm suốt một tháng (từ ngày 25-8 đến 24-9-1956). Trung ương Đảng thẳng thắn thừa nhận: “Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một đảng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân”(*). Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác này đều tự phê bình một cách sâu sắc và tự nhận hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc. Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức. Các đồng chí Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt xin rút khỏi Bộ Chính trị. Sau khi hội nghị kết thúc, Đảng tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, công khai thừa nhận sai lầm trước nhân dân.

Sau hơn 10 năm đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH nhưng rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, Đảng ta một lần nữa tiến hành đợt tự phê bình và phê bình nghiêm túc và sâu sắc. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI của Đảng (năm 1986) dũng cảm nhận thấy “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Đảng tự thấy mình mắc “bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế-xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng”.

Đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, một số cán bộ, đảng viên muốn rập khuôn kinh nghiệm cải tổ, cải cách của nước ngoài, nhất là trong đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế và hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ. Đã chớm nở khuynh hướng đòi “dân chủ, công khai" một cách cực đoan; khuynh hướng phủ nhận quá khứ, bôi đen hiện thực; khuynh hướng muốn chuyển nhanh nhất loạt sang cơ chế thị trường tự do, muốn tư nhân hóa hoàn toàn, "thương mại hóa" báo chí, xuất bản... Những khuynh hướng này đã được ngăn chặn, uốn nắn kịp thời. Các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã định hướng tư tưởng trong toàn Đảng và xã hội. Thực sự có cuộc đấu tranh tư tưởng sâu rộng để đổi mới và giữ vững định hướng XHCN.

Thực tế Đảng ta cũng đã phạm những khuyết điểm, sai lầm. Điều quan trọng là Đảng ta không che giấu khuyết điểm, sai lầm, mà công khai thừa nhận, thành tâm lắng nghe ý kiến nhân dân. Và một khi phát hiện và nhận ra sai lầm thì quyết tâm sửa chữa để phấn đấu đi lên, từ đó Đảng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Có thể khẳng định, có được đường lối chính trị đúng trong hoàn cảnh phát triển bình thường đã là việc khó; ở những bước ngoặt của lịch sử, trong bối cảnh đất nước và quốc tế có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, thì việc Đảng ta xác định được một đường lối chính trị đúng và bảo đảm cho đường lối đó thành hiện thực càng khó khăn hơn. Nó là kết quả của trí tuệ, tài năng, phẩm chất, khí phách. Nó trải qua một quá trình suy tư gian khổ, tìm tòi, đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, có khi phải làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí có lúc đã không tránh khỏi sai lầm và tạm thời thất bại.

Giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta một lần nữa khẳng định: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Những bài học xương máu được Đảng ta rút ra trong suốt hơn 35 năm đổi mới, để giữ vững định hướng và kiên định con đường đã chọn là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH thì Đảng phải giữ vững vai trò cầm quyền của mình.

Sở dĩ phải kiên định sự lãnh đạo của Đảng, coi đây là vấn đề nguyên tắc, bởi sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường và mọi hoạt động xã hội. Trong nhịp điệu và tiến trình của công cuộc đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng rất quan trọng, ở những bước chuyển giai đoạn thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng đặc biệt được khẳng định. Điều đó cắt nghĩa vì sao suốt mấy chục năm qua, nhất là những năm gần đây, các thế lực thù địch không ngừng tấn công vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cổ vũ cho con đường phát triển "kinh tế thị trường tự do", "đa nguyên, đa đảng", tìm mọi cách thủ tiêu, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng... nhưng đều nhận lấy sự thất bại và không bao giờ hiện thực được những mưu đồ, tâm địa xấu xa.

Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kiên định những gì để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, để công cuộc đổi mới và chỉnh đốn Đảng đạt kết quả tốt? Chúng tôi xin đề cập một số giải pháp sau:

Trước hết, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên cần giữ vững bản chất giai cấp và tính tiên phong của Đảng. Bản chất giai cấp của Đảng thể hiện trước hết ở mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Khi định ra đường lối, chính sách, Đảng phải luôn luôn đứng vững trên lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng kiên định lập trường có tính nguyên tắc của mình là lãnh đạo nhân dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo con đường XHCN. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình hình trong nước và thế giới dù khó khăn, phức tạp đến đâu, Đảng cũng vững vàng, không xa rời mục tiêu, lý tưởng của mình, đấu tranh không mệt mỏi cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Hai là, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đại hội VII của Đảng chính thức khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo quan điểm của Đảng ta, cho đến nay tuy có những vấn đề cần bổ sung và phát triển, nhưng Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là học thuyết cách mạng và khoa học nhất, tiên tiến nhất, không thể bác bỏ, phủ nhận (cả về phương pháp luận cũng như hệ thống những luận điểm cơ bản). Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Đó là một hệ thống những luận điểm về cách mạng Việt Nam gắn liền với những biến động của thế giới, có quan hệ đến đời sống của giai cấp và dân tộc, xã hội và con người, quốc gia và quốc tế.

Ba là, giữ vững và bảo vệ các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh. Sức mạnh của Đảng là ở tính thống nhất, đoàn kết chặt chẽ "trăm người tiến đánh chỉ như một người". Xa rời hoặc không thực hiện nghiêm túc tập trung dân chủ thì Đảng không thể có được sức mạnh. Bên cạnh đó, thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Bốn là, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Bác Hồ khẳng định, Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, lo đến cả "tương cà, mắm muối” và những thứ cần thiết cho đời sống thường ngày của nhân dân. Phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống chính trị.

Quán triệt những nguyên tắc cơ bản trên đây, chúng ta sẽ từng bước đổi mới, chỉnh đốn Đảng có kết quả, đồng thời tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng ta thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; làm cho Đảng có đủ trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức, đoàn kết thống nhất, có sức chiến đấu cao, đảm đương sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.

“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. 

(Trích Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, t.5, tr.301) 

Theo Nhóm PV Báo QĐND/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/day-lui-nguy-co-anh-huong-den-su-ton-vong-cua-che-do-688994