Cập nhật: 25/03/2022 07:31:00
Xem cỡ chữ

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.

Bệnh ung thư cổ tử cung gây tử vong cao ở phụ nữ. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, nếu nhận biết sớm các dấu hiệu, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung, bệnh có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu.

Ung thư cổ tử cung là u ác tính nguyên phát ở cổ tử cung, có thể xuất phát từ các tế bào biểu mô vảy, biểu mô tuyến hoặc các tế bào của mô đệm. Tuy nhiên, hầu hết các ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy.

Điều đáng sợ nhất là bệnh ung thư cổ tử cung là có thể không có triệu chứng nào rõ ràng ở giai đoạn đầu. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ước tính có khoảng 12.340 trường hợp ung thư cổ tử cung ở Mỹ mỗi năm và có khoảng 4.000 phụ nữ tử vong bởi căn bệnh này vì không kịp thời phát hiện những triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời. 

Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung một khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Và u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân phổ biến nhất khiến các tế bào ung thư ác tính bắt đầu phát triển trong các mô của cổ tử cung. 

Xét nghiệm pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) là cách tốt nhất để xác định bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư này hay không. Ngoài ra, nếu thấy các triệu chứng như dưới đây thì chị em cũng cần hết sức chú ý vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung: Đừng bỏ qua những dấu hiệu sau - Ảnh 1.

Virus HPV nguy cơ cao - nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung sớm nhất

Ra máu âm đạo bất thường: Đây là biểu hiện phổ biến của ung thư cổ tử cung. Bạn có thể chảy máu vào giữa các kỳ kinh nguyệt, trong hoặc sau khi quan hệ tình dục hoặc bất kỳ lúc nào sau khi mãn kinh.

Tiết dịch âm đạo có mùi hôi: Dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, có màu xanh hoặc vàng hoặc có mủ lẫn máu thì rất có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa khác. Vì vậy để xác định được nguyên nhân chính xác, bạn cần phải đi khám phụ khoa.

Đau, khó chịu khi quan hệ tình dục: Đau khi quan hệ tình dục có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Mặc dù vậy đây cũng là dấu hiệu bất thường nên thăm khám để có hướng điều trị phù hợp hoặc phát hiện được ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn đầu.

Đau vùng xương chậu, đau lưng dưới: Các cơn đau có thể từ âm ỉ đến buốt, tập trung ở một vị trí ở vùng xương hông sau đó khuếch tán dần hoặc có thể xuất hiện cùng lúc ở bất kỳ khu vực nào ở xương hông. Nếu cơn đau chỉ mới gần đây và bạn đang không trong kỳ kinh nguyệt thì có thể đó chính là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Ung thư cổ tử cung gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, vì vậy có thể bị chậm kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm…

Thay đổi thói quen đi tiểu: Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát hoặc có ít máu trong nước tiểu có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung.

Sưng đau ở chân: Khi khối u phát triển lớn dần sẽ gây chèn vào các dây thần kinh và mạch máu ở vùng xương chậu gây ra đau và sưng chân.

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ thực hiện với các bước như:

  • Khám phụ khoa; Soi cổ tử cung có thể kèm theo chấm acid acetic hoặc dung dịch Lugol: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung;

  • Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.

  • Các xét nghiệm: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…

  • Thực hiện xét nghiệm Pap: Xét nghiệm Pap là một xét nghiệm rất đơn giản, được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi các tế bào bất thường ở cổ tử cung.

  • Sinh thiết cổ tử cung: khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.

Những điều cần lưu ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung là phụ nữ thăm khám, làm xét nghiệm này trong lúc không có kinh nguyệt. Không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo và không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm Pap.

photo-1647683748097

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung đứng thứ 3 trong tổng số các ung thư ở phụ nữ, sau ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Kết quả điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào thời điểm chẩn đoán, nếu bệnh ở giai đoạn muộn, kết quả điều trị rất thấp. 

Chính vì vậy khi có biểu hiện bất thường cần đi khám ngay. Ngoài ra, định kỳ 3-6 tháng nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư. Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung... thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.

Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Chị em phụ nữ cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress bởi chúng là yếu tố khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.

Theo BS. Phương Thuỷ/suckhoedoisong.vn 

https://suckhoedoisong.vn/7-dau-hieu-som-nhac-ban-nen-di-kiem-tra-ung-thu-co-tu-cung-169220319165747708.htm