Cập nhật: 11/04/2022 07:40:00
Xem cỡ chữ

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, quy hoạch không gian biển góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh từ biển.

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: KT)

Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ TN&MT họp nghe báo cáo xây dựng Quy hoạch không gian biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch).

Theo Bộ TN&MT, mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2045 sẽ tiến tới quản lý biển theo Quy hoạch không gian biển quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại; sử dụng hiệu quả không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển; tham gia chủ động và có trách nhiệm các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị xây dựng Quy hoạch không gian biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời của Việt Nam.

Trong đó, phát triển các ngành, lĩnh vực biển phải bảo đảm sự hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau và cùng với các ngành, lĩnh vực trên đất liền, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, có tính hệ thống, kết nối chặt chẽ, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng đề nghị, cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch cần có quan điểm, phương pháp luận một cách nhất quán để từ đó xác định quy hoạch biển là nền tảng và sẽ là cơ sở trong tương lai áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tiếp tục xây dựng và phát triển tài nguyên biển. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị cần phải phối hợp, hợp tác với nhau để xây dựng và khai thác được những cơ sở dữ liệu nền tảng, từ đó, đưa ra những quan điểm, định hướng thống nhất.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị, trong quy hoạch cần cập nhật thêm các yêu cầu từ thực tiễn như những cam kết của Việt Nam tại COP26, các cam kết về vấn đề môi trường, các kịch bản về biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng…

Trên cơ sở quy hoạch sẽ tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo quốc gia thông qua việc sắp xếp hợp lý hoạt động sử dụng không gian biển, góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh từ biển.

Tại cuộc họp, các đơn vị chuyên môn đã tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch không gian biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Theo báo cáo, Quy hoạch không gian biển quốc gia được xây dựng dựa theo cách tiếp cận quản lý dựa vào hệ sinh thái; tiếp cận thích ứng; tiếp cận đa tỷ lệ phù hợp với mức độ chi tiết; tiếp cận liên ngành, liên vùng; hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn. Do đó, quy hoạch không gian biển quốc gia giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, liên vùng, liên quốc gia, bảo đảm là cơ sở cho các quy hoạch cấp dưới triển khai, đồng thời tránh trùng lặp về nội dung với các quy hoạch này.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đối với phạm vi nghiên cứu được mở rộng nhằm bảo đảm có sự phân tích, đánh giá, dự báo chính xác hơn và định hướng phù hợp hơn trong quy hoạch không gian biển.

Quy hoạch sẽ dựa trên quan điểm bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời của Việt Nam.

Góp ý về xây dựng Quy hoạch, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần bố trí sử dụng không gian biển cho phát triển các ngành, lĩnh vực biển phải dựa trên cách tiếp cận dài hạn, bền vững và đồng bộ, phù hợp với đặc điểm biển Việt Nam; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái, kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Coi môi trường, đa dạng sinh học là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế biển và các hoạt động liên quan.

Phát triển các ngành, lĩnh vực biển phải có trọng tâm, dựa trên những lợi thế so sánh của từng ngành, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, nhất là ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển. Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá cho quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển.

Bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa trong quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển, nhằm hạn chế những rủi ro, thiệt hại có thể xảy đến do những tai nạn, thảm họa từ biển hoặc từ con người gây ra. Bảo đảm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển; nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và bảo đảm tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên./.

Theo BL/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tin-tuc/quy-hoach-khong-gian-bien-gop-phan-hinh-thanh-cac-nganh-kinh-te-bien-vung-manh-607543.html