Cập nhật: 21/04/2022 09:12:00
Xem cỡ chữ

Nghề mây tre đan truyền thống ở Cao Phong vốn chỉ được coi là một nghề phụ để người dân tranh thủ lúc nông nhàn. Tuy vậy, hơn chục năm trở lại đây, mây tre đan Cao Phong đã trở thành nghề giúp người dân giảm nghèo, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn hộ dân trong xã.

Ban đầu, sản phẩm mây tre đan làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, dần dần mở rộng thị trường tiêu thụ sang các xã lân cận. Do đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa nên bà con trong xã quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất và coi đây là một nghề chính để phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ khi làng nghề mây tre đan thôn Mới được UBND tỉnh chính thức công nhận là làng nghề truyền thống đã giúp cho nghề thực sự tiến thêm một bước, giúp xã giải quyết việc làm cho số đông lao động tại địa phương.

Nghề mây tre đan ở Cao Phong có từ lâu đời với các sản phẩm truyền thống như: thúng, mủng, rổ, rá… Dù tranh thủ làm lúc nông nhàn và tận dụng lao động các lứa tuổi, song nghề này đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con trong xã.

Những năm gần đây, người làm nghề mây tre đan ở Cao Phong đã được tiếp cận với công nghệ sơ chế mây và hiện nay được xem là nghề chiếm ưu thế. Công việc sơ chế mây đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với các nghề khác và đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động trong xã. Các sản phẩm mây sơ chế được tiêu thụ khắp nơi tại miền Bắc.

Nghề mây tre đan ở Cao Phong hiện đang phát triển đi vào chiều sâu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế cao. Những năm qua, sự phát triển của làng nghề không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương mà đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong xã./.

Hà Giang