Cập nhật: 16/05/2022 07:35:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, các âu tàu tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được xây dựng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển góp phần đồng hành cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. 

Chú thích ảnh

Tàu thuyền neo đậu tại âu tàu đảo Trường Sa. Ảnh: Quân Trang/TTXVN

Ông Thiệu Nhật Hiền, quê Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận hiện là thuyền trưởng tàu NT 91173 TS, chuyên đánh bắt tại ngư trường Trường Sa. Sau gần một tháng lênh đênh trên biển đánh bắt hải sản, ông Hiền cùng các bạn tàu đưa tàu về âu tàu đảo Trường Sa để tiếp thêm nhiên liệu, lương lực, nước ngọt. Ông Hiền cho biết, ngư dân ngày nay ra ngư trường Trường Sa đánh bắt đã không phải lo lắng nhiều vì đã có các âu tàu. Tại đây, khi gặp giông bão, ngư dân có chỗ trú tránh, tàu bị hỏng hóc được sửa chữa miễn phí, tiếp nhiên liệu bằng giá với đất liền. Đặc biệt, khi ngư dân thiếu lương lực, thực phẩm, nước ngọt… đều được cán bộ chiến sĩ, Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên đảo tiếp tế miễn phí.

Âu tàu đảo Trường Sa được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2019, đến nay đã có hơn 700 lượt tàu cá vào tránh trú, sử dụng các dịch vụ sửa chữa, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi.

Thiếu tá Trần Cộng Hòa, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật âu tàu đảo Trường Sa cho biết, khi ngư dân đưa tàu vào âu sẽ được cán bộ Trung tâm hướng dẫn vào an toàn, tiếp tế nước ngọt, thực phẩm. Đặc biệt, khi ngư dân gặp nạn trên biển, tàu bị hư hỏng, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm dịch vụ cũng không quản ngại ngày đêm lên đường cứu hộ, cứu nạn, thay phụ tùng, lai dắt tàu.

Tại đảo Sinh Tồn, âu tàu và Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2016, do Hải đoàn 129, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý.

Thiếu tá Trần Văn Bỉnh, Đội phó Đội dịch vụ hậu cần, kỹ thuật âu tàu đảo Sinh Tồn cho biết, những năm 2016, 2017, thời điểm âu tàu mới đi vào hoạt động, ngư dân vẫn rất e ngại khi phải vào để sửa chữa, sử dụng các dịch vụ. Để bà con biết âu tàu, các dịch vụ được cung cấp tại đảo, chúng tôi tích cực tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp qua cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại các đảo.

Theo ông Trần Văn Bỉnh, ngư dân giờ đã quen với việc ra ngư trường Trường Sa, vào âu tàu và coi đây như là nhà. Sắp tới, Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật sẽ mở rộng hệ thống kho xưởng, bến bãi, nâng cao hơn nữa khả năng phục vụ ngư dân, trong đó có việc cung ứng đá lạnh để bảo quản hải sản, hỗ trợ ngư dân gửi đồ sửa chữa tàu từ trong đất liền ra, mở thêm một số âu tàu để cố gắng bố trí chỗ tránh trú bão nhiều nhất cho ngư dân… 

Hiện tại, huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu tại các đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn với tổng sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu tránh bão. Trên một số đảo như Núi Le, Tốc Tan có làng chài, hàng chục tàu thuyền công suất lớn có thể vào neo đậu khi gặp sự cố hoặc vào nghỉ ngơi.Bên cạnh các âu tàu, huyện đảo còn có các Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật hỗ trợ ngư dân về sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu… để ngư dân vươn khơi, bám biển. 

Thiếu tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, các cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ như âu tàu, Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, bệnh xá, cùng với sự tận tâm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc sửa chữa tàu thuyền, tiếp tế nhu yếu phẩm, nhiên liệu cũng như hoạt động cứu hộ trên biển... góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Hải quân nhân dân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Theo Trần Trang (TTXVN)

https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/au-tau-diem-tua-vung-chac-cho-ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-20220507075202712.htm