Nhiều ngày nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện chiêu trò núp bóng tổ chức sự kiện bán hàng, tặng quà cho người dân. Kết thúc mỗi buổi bán hằng này, điều khiến người dân bức xúc, đó là tình trạng người dân mua hàng giá cao nhưng nhận về sản phẩm không như quảng cáo và không được khuyến mại như hứa hẹn ban đầu. Đã có nhiều người mất bạc triệu khi mua hàng với hình thức này.
Rất nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau khi phát hiện ra mình bị lừa bạc triệu ngay sau khi chương trình “Phụ nữ đảm đang” kết thúc tại khu chợ xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch. Buổi bán hàng kết thúc, ai cũng có những sản phẩm mang về. Gần chục triệu đồng chỉ đổi lại được mấy chiếc nồi cơm điện, xong, chảo... Hàng trăm người dân tại xã Triệu Đề nhận được tấm vé mời tham dự chương trình “Phụ nữ đảm đang” vào ngày 27/4 vừa qua tại chợ xã Triệu Đề. Trên tấm vé ghi rất rõ điều kiện tham dự chỉ dành cho phụ nữ tuổi từ 30 đến 70, trẻ em và người trên 70 tuổi không được tham dự. Khách hàng nào đến sớm sẽ được tặng 1 can dầu ăn 4 lít, khách hàng đến muộn hơn sẽ nhận được 1 kg bột canh.
Chị Nguyễn Thị Đào, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch cũng được một người thân cho vé. Và kết quả sau khi bỏ ra hơn 4 triệu đồng, chị mua được 1 nồi cơm điện và 1 chiếc chảo rán. Nồi cơm điện được quảng cáo đa năng có giá 3,7 triệu đồng, nhưng khi chị Đào nhận về không giống như quảng cáo sản phẩm ban đầu; và nó chẳng khác những chiếc nồi cơm điện ngoài thị trường có giá trên dưới 1 triệu là bao. Còn chiếc chảo giá bán 500 nghìn đồng, được quảng cáo là chảo rán không cần dầu, nhưng thực tế nó mỏng manh, trông thô sơ và nhiều nhà đã bị cháy, bong tróc lớp chống dính sau 1 vài lần dùng.
Chiêu trò để người dân sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua hàng là tặng quà. Tất cả những người dân đến buổi bán hàng đều được tặng quà là dầu ăn, bột canh, dầu xoa bóp. Để tạo lòng tin, nhóm người này đã bán hàng, thu tiền của một số người, rồi lại trả lại toàn bộ số tiền đã thu và tặng số hàng đó cho người mua. Được hàng mà không mất tiền - chiêu “khuyến mãi” này khiến nhiều người chậm chân hoặc đang dè dặt phải ngậm ngùi tiếc nuối. Thế nên, buổi chiều, người dân háo hức đi mua hàng, thậm chí là vay tiền với hi vọng vừa được hàng mà vừa được trả lại tiền. Vậy là hàng trăm người sẵn sàng bỏ ra 3 đến 4 triệu để mua 1 sản phẩm. Nhưng cuối cùng, tiền không được trả lại, mà hàng thì không đúng như mong muốn. Hội thảo tan, người dân có muốn trả lại hàng cũng không thể tìm được người để trả. Người mua ít thì 1 chiếc nồi gần 4 triệu, người mua nhiều lên đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí, các đối tượng thu tiền của người dân, rồi lên xe đi mất mà không trả hàng. Khi người dân khiếu nại, họ gửi hàng về trụ sở UBND xã để mời người dân ra nhận.
Không chỉ tại Triệu Đề, mà những ngày gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng này. Núp bóng hội thảo, quảng cáo sản phẩm, bán hàng Việt... những đối tượng này dễ dàng qua mặt chính quyền địa phương và nhanh chóng lấy lòng tin của người dân. Việc bán hàng với giá cao, hàng bán không đúng với quảng cáo và nhiều chiêu trò đánh vào lòng tham của người dân của các đối tượng này đã có dấu hiệu lừa đảo, cần được các lực lượng chức năng sớm vào cuộc. Và người dân cũng cần tỉnh táo trước các chiêu trò của các đối tượng trên./.
Hà Giang