BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước được ví như “điểm tựa, cứu cánh” cho những người lao động tự do khi về già được hưởng lương hưu, chăm sóc y tế và chế độ tử tuất. Để chính sách đi vào cuộc sống, Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Công tác tại một cơ quan Nhà nước nhưng khi đến tuổi nghỉ hưu thời gian tham gia BHXH của bà Lê Thị Vệ, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên mới chỉ được 12 năm 7 tháng. Vì vậy, sau khi được tư vấn của cán bộ BHXH bà Vệ đã quyết định tiếp tục đóng BHXH tự nguyện một lần, đến nay, khi được nhận những đồng lương hưu bà cảm thấy rất vui và yên tâm với những ngày tháng tuổi già.
BHXH tự nguyện được ví như “của để dành” cho người lao động tự do. Để khuyến khích người dân tham gia loại hình bảo hiểm mang tính nhân văn này, bên cạnh các chính sách của Trung ương, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đó, người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh thuộc hộ nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được tỉnh hỗ trợ 30%; hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác sẽ được hỗ trợ 10% kinh phí đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.
Cùng với đó, ngành BHXH cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà để người dân hiểu được những chính sách ưu việt của BHXH tự nguyện. Trong đó, tập trung vào các đối tượng lao động tự do và các đối tượng bị dừng việc, nghỉ việc chưa đủ thời gian nhận lương hưu.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 17.200 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, sau 1 tuần kể từ ngày phát động ra quân hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân được triển khai, toàn tỉnh đã tuyên truyền vận động gần 500 người tham gia BHXH tự nguyện./.
Thu Hoài