“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Đây là những nội dung đang được tỉnh Vĩnh Phúc dần hiện thực hóa bằng rất nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách được đưa ra. Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà việc nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, để Nhân dân thực sự được sống và hưởng thụ cuộc sống luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng. Một chuỗi các hoạt động được tổ chức chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 đã thành công ngoài mong đợi khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ Nhân dân.
Lần đầu tiên người dân Vĩnh Phúc được tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, hấp dẫn ngay tại địa phương mình. Hội sách kết nối tri thức tỉnh Vĩnh Phúc lần đầu tiên được tổ chức đón nhận từ 4 đến 5 nghìn lượt khách mỗi ngày. Sự thu hút đến từ hàng ngàn đầu sách chất lượng cùng sự góp mặt của những nhà xuất bản lớn và uy tín.
Lan tỏa văn hóa đọc còn được thúc đẩy từ những talkshow truyền cảm hứng đến từ những diễn giả nổi tiếng như nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà báo Hồ Thị Hải Âu, tấm gương nghị lực Sơn Lâm,.. Những câu chuyện… những tấm gương… những bài học được chia sẻ từ các diễn giả đã truyền đi thông điệp sách chính là nguồn tri thức vô tận.
Phát triển văn hóa, gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa truyền thống và hiện đại là mục tiêu mà Vĩnh phúc hướng đến. Tổ chức quy mô, đầu sách đa dạng, giáo dục về truyền thống lịch sử thông qua hoạt động chiếu phim, không gian trưng bày văn hóa và du lịch Vĩnh Phúc, có lẽ vì thế mà Hội sách được đông đảo người dân đón nhận ngoài sự mong đợi.
Một cuộc sống bình thường mới là điều dễ nhận thấy khi hòa mình vào không khí tại khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh tỉnh trong kỳ nghỉ lễ. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ được tỉnh quan tâm tổ chức sau một thời gian dài phải trầm lắng do dịch bệnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức mà còn mang tính giáo dục cao, qua đó những giá trị văn hóa được đưa vào tiềm thức của người dân một cách tự nhiên.
Cùng với những hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của đất nước, Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa truyền thống. Những chương trình biểu diễn nghệ thuật được đưa tới tận nhà văn hóa của các địa phương, từ đó người dân dễ dàng tiếp cận, thưởng thức. Đây cũng chính là việc thay đổi tư duy, nhận thức bằng những hành động cụ thể để từ đó đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực.
Khi kinh tế giúp đảm bảo đời sống vật chất thì văn hóa lại thực hiện sứ mệnh nâng cao đời sống tinh thần. Kiên định với mục tiêu lấy người dân là trung tâm của sự phát triển và phải được hưởng những thành quả của quá trình phát triển ấy. Những hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân mà còn thể hiện sự quan tâm phát triển văn hóa, nhờ đó đã góp phần nâng tầm văn hóa Vĩnh Phúc, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định./.
Phương Anh