Cập nhật: 25/05/2022 19:30:00
Xem cỡ chữ

Ngày 25/5, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì Hội nghị nghe Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tình hình mưa lũ từ ngày 22/5 đến ngày 25/5/2022 trên địa bàn tỉnh và công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Tham dự Hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực của BCH PCTT&TKCN tỉnh) báo cáo tình hình mưa lũ từ ngày 22/5 đến ngày 25/5/2022 trên địa bàn tỉnh và công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ý kiến thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau:

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ ngày 22 đến ngày 25/5/2022, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tính đến 7h00 ngày 25/5/2022 tại Vĩnh Yên là 506 mm, cao nhất kể từ năm 1978 đến nay, cao hơn cả đợt mưa lũ lịch sử năm 2008 (mưa 03 ngày năm 2008 là 497,5mm). Lượng mưa tại Tam Đảo là 937mm, Tam Dương là 491,6mm, Vĩnh Tường là 312,2mm, Bình Xuyên là 485,6mm, Phúc Yên là 348mm.

Mưa lớn đã làm mực nước một số sông dâng cao: sông Phó Đáy tại đập Liễn Sơn là +18.70m, cao hơn mức BĐ2 là 0,4m. Sông Phan tại Sáu Vó là +8.67m cao hơn mức BĐ2 là 0,17m. Mực nước các hồ chứa lớn ở ngưỡng cao và phải xả tràn (Hiện tại có 9 hồ nước đang xả tràn. Trong đó, 02 hồ có cửa van: Hồ Đại Lải và hồ Thanh Lanh; 07 hồ xả tràn tự do: Làng Hà, Vĩnh Thành, Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải, Bản Long, Lập Đinh). Mưa lớn cũng đã làm ngập úng diện tích 9.532ha (lúa 7.350ha; màu 1.651ha; thủy sản 411ha; cây khác 120ha).

Qua kiểm tra cho thấy tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài chia cắt các tuyến giao thông. Đặc biệt một số khu vực trọng yếu nước ngập sâu, một số đập tràn chảy mạnh, chảy xiết nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp kịp thời tháo gỡ vật cản, khơi thông dòng chảy, đặc biệt một số nơi thiếu các biện pháp ngăn chặn, cảnh báo, bảo vệ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân (tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo ...); một số địa phương nước ngập sâu nhưng chưa có biện pháp xử lý như mở cửa xả lũ kịp thời là nguyên nhân làm nước dâng cao, dồn ứ (hồ Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên), việc chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão ở một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc báo cáo, cung cấp thông tin của các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh với Lãnh đạo Ban Chỉ huy chưa tốt, cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Theo dự báo tình hình mưa, bão trong năm 2022 sẽ còn diễn biến bất thường, các loại hình thiên tai có chiêu hương gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2022, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, tạo sự ổn định, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Các ngành, các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, không được chủ quan và phải chủ động, có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN do cấp, ngành mình quản lý theo hướng tinh, gọn, đủ mạnh, hoạt động hiệu quả. Tập trung cao độ, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2022.

Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực)

Đề xuất kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo hướng các thành viên Ban Chỉ huy là Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu, rà soát để thiết lập lại hệ thống, chế độ thông tin, báo cáo phục vụ công tác điều hành của Ban Chỉ huy.

Căn cứ vào tình hình thực tế để tính toán lưu lượng xả tràn các hồ Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương một cách hợp lý để giảm áp lực ngập úng cho vùng hạ du (khu vực Bình Xuyên, Phúc Yên và nam Vĩnh Yên).

Tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát khoanh vùng, vận hành các máy bơm dã chiến chống ngập úng cho các vùng độc lập để cứu diện tích lúa sắp tới thời kỳ thu hoạch; Vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu ra các sông Lô, sông Phó Đáy. Trong trường hợp thời tiết những ngày tới thuận lợi, căn cứ mực nước trong đồng tại bể hút, xem xét dừng vận hành trạm bơm tiêu Cao Đại để giảm lượng nước đổ vào sông Phan, giảm ngập úng cho các vùng hạ du (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên).

Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án Sử dụng vốn vay nước ngoài vận hành hợp lý điều tiết cầu Sắt, cầu Tôn để đảm bảo tiêu thoát nước trên hệ thống sông Phan - Cà Lồ.

Chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ thuộc địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách, báo cáo công tác khắc phục hậu quả, các giải pháp đã thực hiện và sẽ thực hiện trong thời gian tới, đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, xây dựng hệ thống thông tin, kịp thời báo cáo tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả tới Thường trực Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ huy tỉnh theo nhóm, định kỳ 02 lần/ngày và trình Lãnh đạo Ban Chỉ huy tỉnh ký ban hành văn bản để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian trước 15h00 hằng ngày (thực hiện trong thời gian mưa lũ và khắc phục hậu quả).

Sở Giao thông Vận tải

Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, phối hợp với lực lượng công an đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh, trong đó cần đặc biệt lưu ý tại các khu vực ngầm, tràn trên các tuyến đường, các điểm có nguy cơ sạt trượt; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước của đường giao thông được giao quản lý. Cung cấp thông tin các tuyển đường bị ngập lụt, chia cắt để người dân chủ động trong việc tham gia giao thông. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông được giao làm chủ đầu tư.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Tiếp tục theo dõi diễn biến, tình hình của mưa lũ để linh hoạt trong việc tổ chức dạy học tại các nhà trường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cấp chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các quãng đường, khu vực khi đến trường, khi về nhà, khi sinh hoạt tại nơi cư trú. Rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học để không xảy ra sự cố và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Tiến hành vệ sinh trường lớp, dọn dẹp, khử khuẩn sau mưa.

Sở Y tế

Đảm bảo hoạt động thông suốt của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Ban QLDA ĐTXD công trình tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình để đảm bảo cơ sở vật chất cho bệnh viện hoạt động tại cơ sở mới.

Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác PCTT&TKCN (thông tin những nội dung thiết thực mà nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước cần...).

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Tích cực, chủ động nắm bắt tình hình và thông báo, thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp biết về tình hình mưa lũ, công tác phòng chống thiên tai để chủ động có biện pháp phòng, tránh.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa bão, thiên tai; Chỉ đạo phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.

Ban Quản lý dự án Sử dụng vốn vay nước ngoài

Tạm sử dụng cầu Đầm Vạc trong tình trạng khẩn cấp do mưa lũ để phân luồng giao thông trong thời gian ngập úng các tuyến đường giao thông trong khu vực phục vụ đời sống Nhân dân, an sinh xã hội (chỉ cho phép xe máy, xe con, các xe cứu thương, cấp cứu lưu thông qua cầu; không cho phép các xe tải, xe kích cỡ lớn lưu thông qua cầu).

Ban Quản lý dự án Sử dụng vốn vay nước ngoài phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và UBND thành phố Vĩnh Yên tổ chức phân luồng, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông (có giải pháp hạn chế tốc độ lưu thông qua cầu; bố trí cán bộ trực phân luồng hai bên đầu cầu 24/24 để điều tiết giao thông). Thực hiện đóng giao thông khi kết thúc tình trạng khẩn cấp do mưa lũ.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ thuộc địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách, báo cáo công tác khắc phục hậu quả, các giải pháp đã thực hiện và sẽ thực hiện trong thời gian tới, đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung vượt thẩm quyền và gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian trước 13h30 hằng ngày (thực hiện trong thời gian mưa lũ và khắc phục hậu quả).

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng các Ban Xây dựng Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách nắm bắt tình hình, thông tin, đề xuất, kịp thời báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chỉ đạo.

Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo chuyên viên khối nghiên cứu tổng hợp theo ngành, lĩnh vực được phân công theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.

ĐT