Cập nhật: 23/05/2022 17:07:00
Xem cỡ chữ

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ ngày 22/5 đến ngày 23/5/2022, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tính đến 13h00 ngày 23/5/2022 tại một số điểm trên địa bàn tỉnh như sau: Vĩnh Yên: 384 mm, Tam Đảo 495mm, Tam Dương 334mm, Vĩnh Tường 233mm, Bình Xuyên 320mm, Phúc Yên 160mm, Lập Thạch 233mm...

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Chỉ đạo các đơn vị thoát nước trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức nạo vét bùn đất; khơi thông dòng chảy, các tuyến kênh mương, cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, vệ sinh vớt rác tại các cửa thu nước trên mặt đường nhất là trong lúc mưa lớn, phát hiện sự cố, những tác động ảnh hưởng đến khả năng thoát nước và có phương án xử lý để thoát nước nhanh, kịp thời, đảm bảo hiệu tiêu thoát nước hiệu quả, không để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn do dòng chảy không được khơi thông kịp thời.

Các công ty TNHH một thành viên thủy lợi Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hệ thống các luồng tiêu, trục tiêu và tổ chức giải tỏa, tháo dỡ các vật cản, bèo rác, khơi thông những điểm có thể gây ách tắc dòng chảy; kiểm tra các hệ thống trạm bơm tiêu, các điều tiết, cửa van, máy đóng mở... đảm bảo vận hành bình thường.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn, vật nuôi đến thời kỳ thu hoạch; chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Rà soát, ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét; rà soát khu vực chân núi, ven đồi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất... để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa thủy lợi xung yếu, bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai và thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh.

Hồng Hà