Những ngày qua, do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua Bắc Bộ kết hợp Hội tụ gió trên cao nên ở Bắc Bộ có mưa to đến rất to.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 22-24/5/2022 có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trong 3 ngày tại các trạm: Tam Đảo 930mm, Vĩnh Yên 505mm, Tam dương 482mm, Bình Xuyên 480mm, Xuân Hòa 409mm, Phúc Yên 314mm, Quảng cư 310mm, Vĩnh Tường 308mm. Riêng trong ngày 23/5/2022 lượng mưa đo được như sau: Tam Đảo 446mm, Vĩnh Yên 309mm, Tam dương 284mm, Bình Xuyên 266mm, Xuân hòa 187mm, Phúc Yên 126mm, Quảng cư 228mm, Vĩnh Tường 191mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp độ 2.
Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng, mực nước trên các sông nội đồng dâng cao, tính đến 13h00 ngày 26/5/2022: Mực nước trên sông Phan tại Sáu Vó đạt +9,38m (gần bằng mực nước lũ lịch sử năm 2008); mực nước trên sông Cà Lồ tại Phúc Lộc Phương đạt +7,4m (trên Báo động 2 là 0,4m). Với mực nước như hiện nay, toàn bộ lượng nước trên địa bàn tỉnh (trừ các vùng Lập Thạch, Sông Lô, ven sông Phó Đáy và vùng bãi Vĩnh Tường, Yên Lạc) tiêu rất chậm do phụ thuộc vào mực nước trên sông Cầu. Mực nước trên các hồ chứa cũng đang ở ngưỡng rất cao, một số hồ chứa lớn đã phải thực hiện xả tràn để thực hiện điều tiết.
Theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Phúc: Từ ngày 27/5 đến 30/5/2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa vừa đến mưa to (thời gian mưa tập trung chủ yếu vào chiều và đêm).
Như vậy, trong những ngày tới nếu tiếp tục có mưa vừa, mưa to kết hợp với mực nước trên các sông nội đồng, hồ đập đang ở mức cao do mưa lớn từ ngày 22/5 đến 24/5/2022, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng ngập úng và có thể gây ra những thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa, lũ, ngập lụt: Cấp độ 1.
Thực hiện Thông báo số 98/TB-UBND ngày 26/5/2022 của UBND tỉnh; căn cứ cấp độ rủi ro thiên tai và Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai đã được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh), Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, ngập lụt cấp độ 1 trong thời gian tới như sau:
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh
- Thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 98/TB-UBND ngày 26/5/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc;
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị;
- Chỉ đạo công tác trực ban và nắm bắt các thông tin, chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc;
- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với mưa lớn, ngập lụt: Ban hành văn bản, công điện, thông báo để ứng phó;
- Các cơ quan thông tin, truyền thông: Phát tin trên các phương tiện truyền thông của tỉnh về tình hình mưa lớn, thời gian mưa và cường độ mưa đang diễn ra để các cấp chính quyền, nhân dân biết chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó;
- Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc theo chức năng nhiệm vụ và theo địa bàn được phân công để chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai;
- Các Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi theo dõi dự báo mưa và lưu lượng về hồ để quản lý vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn, đúng quy trình và giảm tải ngập lụt cho hạ du;
- Đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Chỉ đạo công tác sẵn sàng lực lượng để kịp thời cứu hộ, cứu nạn đối với vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị ngập lụt, các trọng điểm đối với các công trình phòng chống lũ (đê, kè, cống, hồ chứa,…);
- Đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp: Chỉ đạo các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bản tỉnh theo dõi chặt chẽ các bàn tin về mưa lũ để chủ động phương án ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản, giảm thiểu thiệt hại;
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, phát hiện, xử lý kịp thời ngày từ giờ đầu những tình huống phát sinh;
- Chi cục Thủy lợi (Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh): Tăng cường công tác trực ban, kịp thời nắm bắt các thông tin về thiên tai, mưa lớn để tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả. Tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
2. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo, thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thông tin, chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc;
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã chủ động công tác phòng, tránh ứng phó với mưa lớn, ngập lụt:
+ Nội dung về truyền thông tới cấp huyện, xã;
+ Nội dung về ứng phó đảm bảo an toàn cho người trong vùng bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt;
+ Nội dung về ứng phó đối với dân cư vùng ngập lụt nhất là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người dân mưu sinh trong vùng lũ như không vớt củi, không đi qua các vũng trũng thấp, vùng dòng lũ chảy xiết, vùng ngập lụt, trẻ em;
+ Nội dung ứng phó đối với các hoạt động sản xuất mùa màng;
+ Nội dung ứng phó đối với các khu nuôi trồng thủy sản trong vùng bị lũ và ngập lụt,…
+ Hướng dẫn người dân các biệp pháp ứng phó với lũ, ngập lụt trên các phương tiện truyền thông của cấp huyện;
- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ;
- Kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt lũ quét; rà soát các khu vực chân núi ven đồi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất… để chủ động tổ chức di dời sơ tán người dân;
- Tổng hợp thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo quy định.
3. UBND cấp xã
- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên;
- Thực hiện các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ:
+ Thông tin truyền thông về mưa lớn trên loa phát thanh của xã;
+ Triển khai lực lượng xung kích PCTT để hỗ trợ người dân;
+ Thông tin, cảnh báo tới nhân dân về tình hình mưa, các sự cố có thể xảy ra do mưa lớn,…
+ Kiểm tra, rà soát các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng mưa lớn, ngập lụt;
+ Chỉ đạo các lực lượng dân quân tự vệ, xung kích cấp xã để kiểm tra, rà soát các khu vực ngầm tràn, vũng trũng thấp, hạ lưu các lưu vực sông; các trọng điểm đối với các công trình phòng chống lũ;
+ Cử người canh gác tại các các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó;
+ Đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm tại nơi sơ tán (nếu có).
- Kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt lũ quét; rà soát các khu vực chân núi ven đồi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất… để chủ động tổ chức di dời sơ tán người dân.
ĐT