Cập nhật: 28/05/2022 07:42:00
Xem cỡ chữ

Những người đã tiêm phòng đầy đủ vẫn mắc COVID-19 truyền bệnh cho ít người hơn và thời gian lây truyền bệnh ngắn hơn so với những trường hợp tiêm phòng chưa đủ liều hoặc chưa tiêm phòng.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin Reuters của Anh ngày 26/5 tổng hợp một số nghiên cứu gần đây liên quan đến COVID-19, trong đó có nghiên cứu về các trường hợp lây nhiễm đột phá và nghiên cứu về tác dụng của vaccine đối với bệnh nhân ung thư.

Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ tại Hàn Quốc được đăng tải đầu tuần này trên tạp chí chuyên ngành JAMA Network Open, những người đã tiêm phòng đầy đủ vẫn mắc COVID-19 (lây nhiễm đột phá) truyền bệnh cho ít người hơn và thời gian lây truyền bệnh ngắn hơn so với những trường hợp tiêm phòng chưa đủ liều hoặc chưa tiêm phòng. 

Nghiên cứu trên được thực hiện đối với 173 nhân viên y tế mắc COVID-19 tại các bệnh viện, trong đó có 50 trường hợp lây nhiễm đột phá. Tất cả đều mắc bệnh trước khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trở thành biến thể chủ đạo.

Qua phân tích, các nhà nghiên cứu nhận thấy trong nhóm những người đã tiêm phòng, tỷ lệ lây lan virus SARS-CoV-2 sang những nhân viên y tế khác trong viện là 7%.

Tỷ lệ này ở những người chưa tiêm là 26%, mặc dù cả hai nhóm có tải lượng virus tương đương nhau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán.

Trong một nhóm khác gồm 45 người mắc COVID-19 thể nhẹ đã được cách ly, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy các hạt virus lây nhiễm phát tán trong 4 ngày ở những người đã tiêm vaccine đầy đủ, 8 ngày ở những người tiêm chưa đủ liều và 10 ngày ở những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh này.

Theo các nhà khoa học, dữ liệu từ nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng rằng mặc dù có khả năng lây nhiễm đột phá, nhưng việc tiêm phòng vẫn rất hữu ích đối với việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu khác trên quy mô lớn hơn được đăng tải trên tạp chí Lancet Oncology ngày 23/5 vừa qua cho thấy các loại vaccine ngừa COVID-19 có tác dụng phòng ngừa bệnh này đối với hầu hết bệnh nhân ung thư, nhưng tác dụng ít hơn và hiệu quả bảo vệ giảm nhanh hơn so với những người không mắc bệnh ung thư.

Trong thời gian biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra hầu hết các ca mắc COVID-19 tại Anh, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 377.194 bệnh nhân ung thư và hơn 28 triệu người không có các khối u ác tính.

Sau khi tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech hoặc của AstraZeneca, hiệu quả phòng bệnh tổng thể của vaccine ở những người không có khối u ác tính là 69,8% và ở những bệnh nhân ung thư là 65,5%. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, tỷ lệ này giảm xuống lần lượt còn 61,4% và 47%.  

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm các loại vaccine trên đạt hiệu quả phòng ngừa nguy cơ nhập viện vì COVID-19 ở mức 83,3% và phòng ngừa nguy cơ tử vong ở mức 93,4% đối với bệnh nhân ung thư.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ này cũng giảm dần trong vòng từ 3-6 tháng sau tiêm. Đáng chú ý, hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 ở mức thấp nhất và giảm nhanh nhất đối với những bệnh nhân ung thư hạch (u lymphoma) hoặc bạch cầu cấp - leukemia (ung thư các mô tạo máu của cơ thể).

Ở những bệnh nhân đã được hóa trị hoặc xạ trị trong vòng 12 tháng trước khi tiêm phòng, hiệu quả của vaccine thấp hơn và giảm nhanh hơn so với những bệnh nhân không tiếp nhận các phương pháp điều trị tương tự trong cùng khoảng thời gian này.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Peter Johnson tại Đại học Southampton, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cũng như việc nhanh chóng tiếp cận các phương pháp điều trị bệnh.

Theo một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí y học Radiology, ở những người gặp tình trạng khó thở kéo dài sau khi mắc COVID-19, phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) đã phát hiện những bất thường ở phổi mà các kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh truyền thống không phát hiện được.

Trong 23 bệnh nhân khó thở kéo dài nhiều tháng sau khi mắc COVID-19, trong đó có 11 người không phải nhập viện, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật Hyperpolarized xenon 129 MRI (kỹ thuật Hp-XeMRI) để phát hiện các bất thường trong trao đổi khí - cách thức khí O2 và CO2 di chuyển giữa phổi và máu.

Tất cả những người này đã được chụp cắt lớp (CT) hoặc kiểm tra chức năng phổi và đều có có kết quả bình thường hoặc gần bình thường.

Tuy nhiên, khi sử dụng kỹ thuật Hp-XeMRI, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những bất thường trong quá trình trao đổi khí ở cả hai nhóm trên.

Mặc dù chưa lý giải được những bất thường này, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những phát hiện mới trong nghiên cứu này sẽ cung cấp manh mối để xác định nguyên nhân gây khó thở ở những bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài (long COVID), từ đó có thể đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả./.

Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cac-phat-hien-moi-ve-tac-dung-cua-vaccine-ngua-covid19/792762.vnp