Luôn quan điểm phát triển kinh tế phải gắn chặt với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, coi trọng giá trị nhân văn trong quá trình phát triển. Điều này được thể hiện đậm nét thông qua những công trình văn hóa tiêu biểu, trong đó có Văn miếu Vĩnh Phúc. Văn miếu - “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống hiếu học, đó còn là nơi để hậu thế tìm về nguồn cội, nơi tiếp nối truyền thống quá khứ và hiện tại.
Không gian văn miếu thanh bình trong một ngày đặc biệt - ngày sinh nhật Bác, rất nhiều đoàn học sinh của các trường học trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn nơi đây để tổ chức hoạt động ngoại khóa, thành kính, dâng hương báo cáo về những thành tích đã đạt được trong năm học qua. Được tham quan một không gian chứa đựng cả một bề dày lịch sử về truyền thống văn hiến, khoa bảng của tỉnh, các em đều say mê tìm hiểu và cảm thấy vô cùng tự hào.
Đã từng có những băn khoăn khi chưa thực sự đồng tình nhưng đến nay văn miếu tỉnh đã khẳng định được giá trị về sự trường tồn khi hàng năm đều đón nhận rất nhiều lượt khách tới thăm quan, chiêm bái.
Minh chứng rõ nét cho sự phát triển rực rỡ của nền khoa bảng Vĩnh Phúc là cả một thế thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ, các "Làng tiến sĩ" nổi danh, những dòng họ "Kế thế đăng khoa" và nhiều "Gia đình khoa bảng". Và đáng mừng hơn, truyền thống văn hiến, giáo dục ấy vẫn được các thế hệ hôm nay gìn giữ, phát huy khi thành tích giáo dục Vĩnh Phúc luôn trong top đầu cả nước.
Không thể đong đếm bằng vật chất nhưng một Văn Miếu mang đậm giá trị nhân văn, nơi vinh danh những người khoa bảng, thành đạt luôn là thứ cần được gìn giữ để tồn tại mãi mãi. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp các ngành trong thì còn cần nhiều hơn những nhận thức đúng đắn từ phía người dân, để Văn Miếu tỉnh thực hiện tốt sứ mệnh giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai về sau hiểu và tự hào về truyền thống văn hiến khoa bảng của địa phương, để Văn Miếu thực sự trở thành một nơi kết nối quá khứ và hiện tại./.
Phương Anh