Cập nhật: 12/06/2022 10:00:00
Xem cỡ chữ

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, nên từ ngày 22/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, với lượng mưa lớn và trên diện rộng. Mưa lớn gây ngập, làm bong bật, hư hỏng mặt đường, hình thành thêm nhiều ổ gà, làm sạt lở; tăng nguy cơ phá hủy kết cấu hạ tầng giao thông, làm giảm tuổi thọ của đường.

Để chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình mưa bão phức tạp nêu trên; hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trên các tuyến đường, đồng thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị:

1. Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo: các phòng chuyên môn, công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các xe ô tô có hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, vi phạm kích thước thùng hàng trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và  trên các đoạn đường đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ngập, úng, có nguy cơ cao về phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

2. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo:

- Lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng phương tiện, về kích thước thùng hàng tại đầu nguồn: khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… để kịp thời ngăn chặn và xử lý các xe ô tô chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông. Đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan (Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường; tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về tải trọng phương tiện trên các tuyến đường đang có nguy cơ cao về phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông do ngập nước.

- Các phòng, ban chuyên môn kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền, triển khai phương án tổ chức giao thông phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời bảo vệ tối đa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; 

- Các đơn vị quản lý, bảo trì tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến: khơi thông rãnh dọc; sửa chữa ngay các ổ gà; xử lý triệt để tình trạng ngập, đọng nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu mặt, nền đường; sẵn sàng phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông khi tiếp nhận thông tin của các lực lượng chức năng... nhằm bảo đảm an toàn giao thông và cho kết cấu hạ tầng giao thông.

3. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình: Dân dụng và Công nghiệp; Giao thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án huyện, thành phố là chủ đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường, tràn, ngầm… trên đường đang khai thác quan tâm, chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công:

- Không tiếp nhận và sử dụng xe ô tô tải chở nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình chở hàng quá tải trọng, xe vi phạm kích thước thùng hàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông; 

- Bố trí nhân lực, vật lực ứng trực trên tuyến, chủ động cảnh báo kịp thời các điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông; kịp thời hót đất đá sạt lở, dọn dẹp cây cối đổ gẫy, vá ổ gà...; thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng liên quan để phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông khi có nguy cơ hỏng hóc kết cấu hạ tầng giao thông, ùn tắc, gián đoạn giao thông.

4. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo:

- Các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động các nguồn lực của địa phương, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng khắc phục kịp thời các sự cố làm mất an toàn giao thông, gây hỏng hóc kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường qua địa bàn;

- UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi các tuyến đường qua địa bàn; có biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời thông báo, khuyến cáo Nhân dân không qua lại các vị trí mất an toàn giao thông (đoạn đường ngập sâu, nước chẩy siết, sạt lở…).

Trường hợp phát hiện sự cố ngoài khả năng xử lý cần báo cáo ngay cho UBND huyện, thành phố và cơ quan cấp trên để chỉ đạo kịp thời./.

ĐT