Cập nhật: 18/06/2022 16:31:00
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy dấu hiệu của nước trong các mẫu đất lấy từ đồng bằng dung nham trên mặt trăng, điều này giúp họ hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nước - một băn khoăn lớn cho việc khám phá mặt trăng trong tương lai.

Chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc triển lãm sứ mệnh Hằng Nga 5 tại Bảo tàng Quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3/3/2021. Ảnh: Reuters.

Nhiệm vụ táo bạo của tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã đặt chân xuống mặt trăng vào tháng 12/2020, khoan tìm kiếm và thu thập các mẫu mặt trăng mới nhất ở đồng bằng Oceanus Procellarum và đưa các mẫu vật quay trở lại Trái đất

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature vào tuần này, các nhà khoa học hiện đã tiết lộ rằng bản quét quang phổ của tàu đổ bộ trên bề mặt mặt trăng Hằng Nga 5 và phân tích các mẫu trong các phòng thí nghiệm trên Trái đất đều cho thấy sự hiện diện của nước trong khu vực.

Trong một tuyên bố, tác giả Li Chunlai, nhà khoa học hành tinh tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia của Học viện Khoa học Trung Quốc (NAOC) cho biết: "Lần đầu tiên trên thế giới, kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm các mẫu trở lại của mặt trăng và dữ liệu quang phổ từ các cuộc khảo sát tại chỗ bề mặt mặt trăng được sử dụng chung để kiểm tra sự hiện diện, hình dạng và lượng "nước" trong các mẫu đất mặt trăng".

Họ đã tìm thấy bằng chứng về nước ở dạng hydroxyl được bao bọc trong một khoáng chất kết tinh gọi là apatit.

Hydroxyl, bao gồm một nguyên tử hydro duy nhất và một nguyên tử oxy so với hai hydro thành một oxy trong phân tử nước, cũng được tìm thấy trong các mẫu do NASA thu thập được từ nhiều thập kỷ trước.

Trung Quốc tìm thấy dấu hiệu của nước trên mặt trăng -0

Tàu đổ bộ mặt trăng Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã sử dụng cánh tay robot này để thu thập các mẫu mặt trăng tại đồng bằng Oceanus Procellarum của mặt trăng vào ngày 1/12/2020. Ảnh: CNSA qua CCTV. 

Người ta cho rằng hầu hết nước trên mặt trăng là kết quả của các quá trình hóa học được kích hoạt bởi sự bắn phá của các hạt tích điện từ mặt trời trên bề mặt mặt trăng.

Các nhà khoa học cho biết, nguồn hydroxyl trong các khoáng chất như apatit rất có thể là của chính mặt trăng. Hàm lượng hydroxyl trong các vật liệu từ ngoài do quá trình tác động tạo ra có thể không đáng kể.

Sứ mệnh tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 của Trung Quốc, được đặt theo tên của nữ thần Mặt trăng trong thần thoại của Trung Quốc, đã mang về 1.731 gam mẫu vật vào tháng 12/2020 sau khi lấy đất và đá từ một phần trước đây chưa từng có của đồng bằng Oceanus Procellarum.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ khởi động nhiều sứ mệnh lên Mặt trăng trong những năm tới, nghiên cứu nước là một trong những mục tiêu.

Sự hiện diện của nước trên mặt trăng có thể làm sáng tỏ hơn sự tiến hóa của hệ mặt trời. Nó cũng có thể chỉ ra con đường dẫn đến nguồn nước tại chỗ rất quan trọng đối với sự cư trú lâu dài trên mặt trăng của con người.

Các nhà khoa học cho biết: “Nguồn và sự phân bố của nước trên mặt trăng vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ và chưa có sự đồng thuận".

LÊ LÂM (Theo Reuters, Space, Nature)/nhandan.vn

https://nhandan.vn/khoa-hoc/trung-quoc-tim-thay-dau-hieu-cua-nuoc-tren-mat-trang-701786/