Những sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ tại tỉnh Quảng Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà báo quốc tế, khi tham gia chương trình “Trải nghiệm Quảng Nam”.
Trong 3 ngày từ 17 - 19/6, gần 40 phóng viên đại diện cho khoảng 15 hãng thông tấn báo chí nước ngoài có Văn phòng thường trú tại Việt Nam và một số du khách quốc tế tham gia chương trình “Trải nghiệm Quảng Nam”. Các vị khách quốc tế đã trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh, du lịch nông thôn, khám phá các sản phẩm OCOP và tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.
Các vị khách quốc tế được trải nghiệm văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam
Phóng viên Cheng Chi Lun, hãng tin CNA (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng miền núi tỉnh Quảng Nam với thiên nhiên hùng vĩ cùng văn hóa mang đậm bản sắc là điều kiện lý tưởng để khai thác du lịch: “Người dân tại đây chia sẻ với chúng tôi rằng đã có nhiều khách quốc tế đến Tây Giang nhưng chủ yếu là khách đi bằng xe máy, có thể đó là những người đã sống tại đây chứ không phải các đoàn khách lớn từ nước ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng khi chính quyền địa phương có chính sách phát triển du lịch hiệu quả thì sẽ có rất nhiều khách đến, và người dân có điều kiện nâng cao thu nhập hơn”.
Rất lâu rồi, làng cổ Cơ Tu, huyện Tây Giang mới lại sống trong không khí lễ hội. Tiếng trống chiêng rộn rã hòa cùng điệu múa tâng tung da dá của người Cơ Tu là tâm điểm thu hút du khách và các phóng viên quốc tế. Già làng A Lăng Sơn, xã A Vương, huyện Tây Giang không giấu được vui mừng, xen lẫn tự hào khi văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu được giới thiệu đến những người bạn quốc tế.
“Chúng tôi rất cảm xúc khi các bạn từ nhiều nước trên thế giới tập trung về với Tây Giang, về với gươl của người Cơ Tu, quan tâm đến văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển du lịch xanh, hiện huyện Tây Giang làm tốt việc giữ rừng. Hiện nay Tây Giang toàn bộ là rừng xanh hết và văn hóa bản địa cũng thế, chúng tôi không thể bỏ" - già làng A Lăng Sơn nói.
Phóng viên một hãng thông tấn báo chí Nhật Bản tác nghiệp tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo lại nhân lực, sẵn sàng đón nhận và khai thác cơ hội mới khi du lịch mở cửa trở lại. Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang nỗ lực để trở thành điểm đến du lịch xanh, thu hút du khách trong và ngoài nước về với vùng Tây Quảng Nam. Địa phương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để du khách đến trải nghiệm, giới thiệu hình ảnh con người và truyền thống của vùng đất này.
Năm nay, tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao quy mô cấp quốc gia như kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam cho biết đây là cơ hội để giới thiệu hình ảnh, con người và văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi đến với thế giới.
“Vùng Tây Quảng Nam vừa có tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, vừa có tiềm năng phát triển dược liệu rất lớn. Chúng tôi định hướng không chỉ phát triển du lịch cộng đồng mà sẽ giới thiệu đến các nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… họ có một thị trường dược liệu lớn, có nhiều kinh nghiệm chế biến, sản xuất dược liệu. Đây là những đối tác rất tiềm năng để có thể hợp tác rất tốt" - bà Nguyễn Thị Thùy Trang nói./.
Theo Long Phi/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/du-lich/cac-nha-bao-quoc-te-an-tuong-voi-chuong-trinh-trai-nghiem-quang-nam-post951397.vov