Đi mãi chúng tôi cũng đến Hoài Khao, một xóm cổ nhỏ xinh của đồng bào người Dao Tiền nằm bên sườn núi ở ven rừng Phja Oắc (Phia Oắc). Hoài Khao mới làm du lịch cộng đồng được vài tháng. Cứ tưởng ở đây chưa có gì mấy, hóa ra đi sau nhưng xóm nhỏ này lại có nhiều thứ đáng để đến, để trải nghiệm hơn những nơi đã phát triển du lịch cộng đồng từ lâu.
Khách du lịch trải nghiệm in sáp ong ở Hoài Khao. Ảnh: ĐÌNH KIÊN
Mà cũng có lẽ vì đi sau nên Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng lại có những bước đi khá vững chắc, cẩn trọng, bài bản trong làm du lịch cộng đồng.
Ước mơ phát triển du lịch xanh và bền vững ở Nguyên Bình
Theo như lãnh đạo huyện Nguyên Bình, cái được nhất ở Hoài Khao là “trên dưới đồng lòng”. Cả lãnh đạo huyện lẫn người dân đều mong muốn được làm du lịch. Nghị quyết HĐND huyện về phát triển kinh tế xã hội năm 2022 đã chỉ rõ các nhiệm vụ để triển khai thực hiện Chương trình phát triển dịch vụ du lịch vùng Phja Oắc- Phja Đén giai đoạn 2022- 2025; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng với các yếu tố độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, hoàn thiện các hạng mục đầu tư, đưa vào quản lý, khai thác có hiệu quả Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao; kết nối với khu nhà tường trình Nà Rẻo, xóm Tam Hợp, xã Thành Công cùng huyện; điểm ngắm cảnh trải nghiệm vường trúc sào tại xóm Bản Phường, xã Thành Công; điểm tham quan vọng cảnh trên đỉnh Phja Oắc cao 1.931m; phát triển mở rộng trung tâm Phja Đén.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư huyện ủy Nguyên Bình Nông Quốc Hùng liên tục nhắc đến quyết tâm phát triển du lịch ở Nguyên Bình, trong đó có du lịch cộng đồng ở Hoài Khao. Trước hết để người dân có việc làm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, giới thiệu cảnh đẹp ở Nguyên Bình tới du khách trong nước và quốc tế, phát triển du lịch xanh và bền vững. Với những mơ ước ấy, huyện Nguyên Bình đã nhiều lần tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp du lịch..., đi học tập mô hình ở các địa phương khác để hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ ở địa phương.
Hoài Khao có rất nhiều tiềm năng tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều năm nay, những tài nguyên này vẫn bị bỏ phí, trong khi đó, dân thì vẫn nghèo. Nghe nói, xóm Hoài Khao chỉ mới có điện cách đây vài tháng.
Những nếp nhà gỗ bình yên ở Hoài Khao. Ảnh: ĐÌNH KIÊN
Nằm ngay trong khu vực Vườn quốc gia Phja Oắc- Phja Đén giữa những rộng bậc thang uốn lượn, màu sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền đậm đặc, ẩm thực địa phương phong phú, nghề truyền thống độc đáo... Hoài Khao có quá nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, thể thao... Nhìn những ngôi nhà cổ, mái ngói âm dương trên các sườn đồi ở Hoài Khao, nhìn cảnh người dân vẫn mang trên mình bộ trang phục truyền thống dù ở nhà hay đi nương, dù tiếp khách hay nghỉ ngơi... mới thấy, dường như những ồn ào của cuộc sống ngoài kia với internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo... không phải của thế giới này.
Đường vào Hoài Khao đi dưới những tán cây rừng mịn như nhung Phja Oắc- Phia Đén, giống như ở xứ sở thần tiên vậy. Rừng ở đây thuộc kiểu “rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới” có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật tại vườn; lại có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam...
Xung quanh Phia Oắc- Phia Đén là các làng bản, dọc theo các con suối có ruộng bậc thang, những triền đồi được đồng bào trồng lúa, sắn, ngô, chè, sở, trẩu... Nằm trong vùng đệm của rừng, Hoài Khao tận dụng được các lợi thế để làm du lịch. Ở Hoài Khao, ngôi nhà nào cũng nhìn ra thung lũng. Những con đường nhỏ giống như những dải lụa mềm mại uốn quanh làng giữa những hàng rào cúc tần, cẩm tú cầu, gợi vẻ đẹp thanh bình, thuần khiết đến khó tả. Trong khi ở nhiều nơi, thiên nhiên đang bị tàn phá, tận diệt thì sự nguyên sơ của Phia Oắc- Phia Đén và những làng bản mang vẻ đẹp bình dị như Hoài Khao chính là “viên ngọc quý” của Cao Bằng.
Chuyên gia du lịch, đại diện Chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam hướng dẫn người dân Hoài Khao các kỹ năng làm du lịch. Ảnh: ĐÌNH KIÊN
Hạnh phúc giản đơn ở Hoài Khao
Xóm Hoài Khao có 34 nóc nhà nhưng hiện nay mới có 7 nhà làm homestay. Ngoài khu đón tiếp trung tâm, có bãi xe, bản đồ, Hoài Khao cũng có một nhà văn hóa thôn. Buổi tối đầu tiên sau khi thưởng thức những món ăn đặc trưng của Hoài Khao, chúng tôi được xem một chương trình văn nghệ đặc sắc do chính bà con đồng bào Dao Tiền biểu diễn. Tôi đã nhiều lần xem lễ cấp sắc của người Dao nhưng thực sự, xem ở Hoài Khao rất khác. Cảm giác, những nét văn hóa đặc sắc ấy thực sự đang hiện hữu, là cuộc sống thật của đồng bào chứ không phải là dựng lại hay chỉ là biểu diễn mỗi khi có khách.
Buổi sáng ở Hoài Khao rất khác biệt. Chủ nhà dậy từ sớm nhổ rau vườn nhà, mổ gà chạy trên đồi làm bữa sáng. Khách thì dạo chơi khắp thôn xóm hít hà không khí miền núi đặc trưng, thoang thoảng mùi bùn đất nồng nồng trộn với mùi trâu bò, lợn gà. Người thì ngồi trên những lán tre chìa ra ruộng, ngắm hoa, thưởng trà, với tay đùa nghịch với những dải mây trắng như bông bay là là ngay trước mặt và đặc quánh ngoài thung lũng phía xa xa. Đủ những thứ âm thanh trong trẻo, hồn hậu ở Hoài Khao chắc chỉ có ở những vùng đất yên bình như thế này: tiếng vợ nhắc chồng sửa máy bơm nước, tiếng trẻ con khóc khi vừa tỉnh giấc, tiếng bà dỗ cháu, tiếng anh hỏi em ngã có đau không, tiếng hàng xóm hỏi nhau hôm nay có đi chợ huyện.... Những âm thanh ấy khiến các vị khách phương xa giật mình nhận ra, lâu nay cuộc sống ở thành phố quá tẻ nhạt, quá bon chen, quá ngột ngạt, quá ồn ào, quá nhiều lo toan; con người ở đó có lúc như cái máy mà không có chút tình cảm nào. Những gì ở Hoài Khao cho người ta thấy, hạnh phúc không phải là nhiều tiền, là ăn ngon mặc đẹp, là điện thoại thông minh hay biệt thự liền kề, càng không phải là những lời khen nhau trên facebook.
Đoạn đường xuyên rừng tuyệt đẹp từ Hoài Khao sang Nà Rẻo (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình). Ảnh: ĐÌNH KIÊN
Đường đi từ Hoài Khao sang Nà Rẻo qua con đường nhỏ xuyên rừng tuyệt đẹp. Chỉ vài km nhưng đây là một trải nghiệm mà khách du lịch nào cũng “phê” khi tới xóm nhỏ này. Trên cung đường ấy, có những điểm săn mây đẹp không thua kém gì ở Tà Xùa (Sơn La), Y Tý (Lào Cai), đồi Đa Phú, đỉnh Pinhatt (Đà Lạt)...
Cũng trên tuyến đường này, khách du lịch có thể cùng trai bản Hoài Khao tham quan hang động và những tổ ong Khoái khổng lồ. Người dân xóm Hoài Khao có tục cấm phá tổ ong lấy mật nên mỗi hang động có hàng trăm đàn ong bay về làm tổ. Những tổ ong khoái to như tấm chiếu với hàng triệu con ong bám vào, tạo nên một cảnh tượng kỳ vỹ hiếm thấy. Ong Khoái về làm tổ vào mùa Xuân, lập Thu ong bay đi. Mùa ong bay đi, người dân sẽ lấy vỏ sáp làm nguyên liệu để những người phụ nữ nơi đây đun nấu thành sáp ong sử dụng in trên vải, tạo nên những hoa văn độc đáo lên thổ cẩm truyền thống.
Trưởng xóm Lý Hữu Tăng chia sẻ, xóm có 2 hộ vừa mới thoát nghèo. Người dân trong xóm trước khi làm du lịch cộng đồng hay làm homestay đón khách du lịch chỉ biết đi làm nương rẫy và chăn nuôi. Hai năm qua được tỉnh và huyện quan tâm, vận động, hỗ trợ và hướng dẫn, bà con mới bắt đầu đưa chuồng trại ra khỏi nơi sinh sống, bắt đầu làm du lịch.
Lý Thị Hương, bà chủ của một trong 7 homestay ở Hoài Khao chia sẻ: "Người dân trong xóm từ trước tới nay chỉ quanh quẩn trong xóm, làm nương, trồng ngô lúa, không biết du lịch cộng đồng là gì, càng không nghĩ mình có thể đón khách. Sau khi nghe các cán bộ xã, cán bộ huyện vận động, chúng tôi đã biết sửa sang nhà cửa, làm lại vườn tược, trồng hoa, đan giỏ đựng rác, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa dân tộc mình để nói giới thiệu với khách, học nấu các món ăn ngon, học cách chào hỏi khách. Để có vốn làm homestay, ngoài tiền dành dụm, còn lại chúng tôi đi vay ngân hàng và từ hỗ trợ của huyện”.
Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch và nhà báo các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm ở Hoài Khao. Ảnh: ĐÌNH KIÊN
Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết: "Huyện Nguyên Bình xác định phương châm phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Chính vì thế, việc quy hoạch, xây dựng tại Hoài Khao được quản lý, giám sát chặt chẽ để không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, không bị bê tông hóa".
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình Nông Thị Thủy- người đồng hành với bà con Hoài Khao từ những ngày đầu manh nha làm du lịch cộng đồng: “Người dân Hoài Khao chăm chỉ, ham học hỏi và tiếp thu kiến thức mới rất nhanh. Từ những người làm nông đơn thuần, họ đã biết tổ chức homestay cũng như cách tiếp đón du khách. Tại xóm đã thành lập các tổ, đội phục vụ khách du lịch nhằm cung ứng dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan”.
Tối đó, homestay Nhất Nhất- ngôi nhà gỗ mái âm dương khang trang, sạch sẽ của vợ chồng Lý Hữu Nhất và Chu Thị Hạnh mà đoàn chúng tôi lưu lại ngập tiếng cười của người dân Hoài Khao và du khách. Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao được chuẩn bị và công nhận đúng vào năm dịch Covid-19 đang tàn phá ngành Du lịch. Khách đến chưa nhiều nhưng người dân Hoài Khao và cả lãnh đạo huyện Nguyên Bình đều tin rằng, sớm thôi, khi dịch Covid- 19 đã được kiểm soát, đất nước đã mở cửa hoàn toàn, Hoài Khao sẽ thu hút những bước chân du khách, những người yêu thiên nhiên tươi đẹp, thích khám phá văn hóa các vùng miền.
Theo Ghi chép của THÚY HÀ/baovanhoa.vn
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/53881/o-ven-rung-phja-oac-co-hoai-khao