Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong giao thương, đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện các hành vi buôn bán hàng lậu, hàng gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… gây bức xúc và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ riêng trong tháng 6/2022, liên tiếp các kho chứa hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không hóa đơn chứng từ được bán hàng bằng hình thức livestream trên mạng xã hội đã bị các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện và thu giữ. Điển hình như ngày 7/6, Đội QLTT số 5, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Hằng, xã Tử Du, huyện Lập Thạch có hoạt động kinh doanh, bán hàng online qua các ứng dụng thương mại điện tử. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ gần 12.000 sản phẩm quần áo, mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo.
Ngày 24/6, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra kho hàng tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên do chị Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1991, có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội làm chủ, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm gồm túi sách, kính mắt thời trang, quần áo các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Toàn bộ số hàng hóa tại cơ sở này chủ yếu được tiêu thụ thông qua nền tảng thương mại điện tử, giao hàng tận nơi.
Theo các lực lượng chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng là do tình hình dịch bệnh dẫn đến việc mua bán hàng hóa trực tiếp bị hạn chế, các tổ chức, cá nhân thường sử dụng phương thức bán hàng qua mạng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng thường là đối tượng lợi dụng hình ảnh, đoạn video chính hãng để quảng cáo, tuy nhiên khi đến tay người tiêu dùng lại có thể là sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng chính hãng nhưng đã qua sử dụng
Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại… sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy để ngăn chặn những hành vi gian lận, ngoài sự kiểm tra kiểm soát của các lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần chủ động trang bị cho mình các kỹ năng khi mua hàng trên mạng.
Cùng với đó, các cấp các ngành cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới doanh nghiệp, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm./.
Phương Liên