Tổng thống Joko Widodo sẽ có chuyến thăm 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ cho vai trò chủ tịch G20 của Indonesia trước thềm Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới tại Bali.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại
Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi cho biết chuyến thăm tới 3 quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác với các đối tác chiến lược của Indonesia trong lĩnh vực kinh tế, với chương trình nghị sự tập trung vào hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, tăng cường chủ nghĩa đa phương. 3 quốc gia này đều là những nền kinh tế lớn nhất châu Á, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Indonesia.
Tổng thống Indonesia thăm 3 nước Đông Á. Nguồn: Antaranews
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với giá trị thương mại song phương lên tới 110 tỷ USD trong năm 2021. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ 3 của Indonesia với tổng vốn đầu tư là 3,2 tỷ USD vào năm ngoái. Thương mại song phương Indonesia và Nhật Bản đạt hơn 32 tỷ USD vào năm 2021, trong khi thương mại song phương Hàn Quốc và Indonesia là hơn 18,4 tỷ USD.
Ngoài cuộc gặp với lãnh đạo 3 quốc gia, Tổng thống Indonesia cũng có cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp, thảo luận cơ hội hợp tác đầu tư kinh tế thương mại song phương.
Có thể nói 3 quốc gia đều là những đối tác quan trọng của Indonesia trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong khuôn khổ ASEAN + 3 và Sáng kiến Chiang Mai. 3 nước này đều là thành viên của G20 vì vậy chuyến thăm cũng có ý nghĩa giá trị chiến lược lớn cho chương trình nghị sự đa phương với việc Indonesia là Chủ tịch G20 năm nay và Chủ tịch ASEAN trong năm 2023.
Nỗ lực vận động trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20
Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chưa có chuyến thăm nước ngoài kể từ tháng 1 năm 2020. Thay vào đó, ông tham gia các cuộc họp quốc tế thông qua hình thức trực tuyến, bao gồm cả Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái. Chính vì vậy nếu có sự tham dự trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới tại Bali sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với nước chủ nhà Indonesia.
Là nước Chủ tịch G20, Indonesia cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi xung đột tại Ukraine gây chia rẽ giữa các thành viên. Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi cho rằng trong bối cảnh thế giới cạnh tranh không lành mạnh và giá trị của chủ nghĩa đa phương đang giảm dần, Indonesia sẽ thực sự tích cực hơn nữa trong việc thiết lập quan hệ hợp tác và truyền bá tinh thần đoàn kết và hòa bình. Chuyến đi Đông Á diễn ra chỉ một tháng sau khi Tổng thống Indonesia thăm Nga và Ucraina trong sứ mệnh xây dựng hòa bình cho thấy sự chủ động của nước chủ tịch G20 trong việc xây dựng mối quan hệ với các thành viên ngoài những cuộc họp chính thức.
Trong chuyến thăm Đông Á lần này, vấn đề tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Zelenski có thể được đề cập cùng các chương trình nghị sự khác của G20. Theo giới quan sát, các cuộc họp cấp Bộ trưởng G20 gần đây đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa được như mong đợi. Nước chủ nhà Indonesia vẫn đang nỗ lực để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới có thể diễn ra thành công.
Xây dựng vị thế quốc tế
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Indonesia nhiều lần thừa nhận những thách thức trong việc đoàn kết các “ông lớn G20” để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên với tư cách là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia tuyên bố có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực đưa Đông Nam Á và Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tận dụng quan điểm không liên kết, Tổng thống Widodo đã nỗ lực tìm cách hàn gắn các bất đồng giữa các quốc gia do cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga.
Những nỗ lực ngoại giao con thoi của Tổng thống Widodo cũng góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu- vấn đề cấp bách nhất hiện nay, với việc Nga-Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vừa ký kết thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Hàng loạt các hội nghị cấp Bộ trưởng với tuyên bố tẩy chay, tranh cãi phủ bóng nhưng vẫn có sự tham dự của tất cả các nước thành viên là nỗ lực không nhỏ của nước chủ nhà, đảm bảo các quốc gia đều có tiếng nói tại Diễn đàn đa phương quan trọng của thế giới.
Chuyến thăm đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc- những đối tác quan trọng của ASEAN cũng sẽ đóng góp tích cực trong việc duy trì ổn định và an ninh ở Đông Nam Á, đặc biệt khi Indonesia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm tới. Có thể nói thách thức khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 và ASEAN của Indonesia trong bối cảnh địa chính trị hiện nay là không nhỏ, nhưng quốc gia Đông Nam Á này đang cho thấy không chỉ là một nước thành viên tích cực và trách nhiệm, mà còn khẳng định được vị thế và uy tín của của Indonesia trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu./.
Theo Phạm Hà/VOV-Jakarta
https://vov.vn/the-gioi/tong-thong-indonesia-tham-dong-a-no-luc-van-dong-truoc-them-thuong-dinh-g20-post958674.vov