Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, trước thực tế trên cả nước đã ghi nhận những ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5 với tốc độ lây lan nhanh, một lần nữa đặt ra yêu cầu về công tác phòng dịch chưa bao giờ được chủ quan, lơ là, đặc biệt là việc tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch vẫn là yếu tố quan trọng để duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Hơn 1 năm qua, hơn 2,7 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm cho các đối tượng, hiệu quả đã thấy khi vắc-xin góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, số ca mắc bệnh, chuyển nặng và tử vong đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay, một thực tế đáng lo ngại là bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, xem nhẹ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở một bộ phận không nhỏ người dân, cho rằng, sau khi được tiêm các mũi cơ bản và đã mắc Covid-19 là có miễn dịch cộng đồng.
Trên thực tế, virus gây bệnh Covid-19 vẫn luôn biến đổi và xuất hiện những biến chủng mới khó lường, có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, trong khi miễn dịch sau tiêm chủng hoặc sau mắc Covid-19 là miễn dịch không bền vững.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành mũi tiêm số 1 và số 2; hơn 243.000 người được tiêm mũi bổ sung; hơn 616.000 người được tiêm mũi nhắc lại lần 1; hơn 41.000 người được tiêm mũi nhắc lại lần 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin đạt trên 83%; tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là trên 78%. Cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi cơ bản và mũi nhắc lại đầy đủ, đúng lịch và theo kế hoạch tiêm chủng của y tế địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế để nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh.
Phương Anh