Cập nhật: 01/08/2022 15:36:00
Xem cỡ chữ

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, trong năm 2022, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên thiên tai tiếp tục diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán, đặc biệt mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm, nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.

Để tiếp tục chủ động công tác phòng tránh, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các nội dung sau:

Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13 ngày 10/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2022. Thực hiện, triển khai có hiệu quả các nội dung đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ.

Các Thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục chỉ đạo rà soát tất cả các văn bản, nội dung liên quan để phân công trách nhiệm cụ thể trong việc triển khai công tác PCTT&TKCN đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không kịp thời triển khai thực hiện hoặc đề xuất thực hiện các giải pháp đảm bảo công tác PCTT&TKCN đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Ngoài ra, yêu cầu lưu ý thực hiện một số nội dung sau:

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ"; rà soát kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đảm bảo công tác điều hành, chỉ huy được hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tỉnh đoàn nghiên cứu, thành lập lực lượng thanh niên xung kích (cấp tỉnh, cấp huyện...) và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN khi có yêu cầu.

Sở Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, hướng dẫn di chuyển tại các điểm thường xuyên ngập úng khi có mưa lũ; bố trí lực lượng phương tiện phối hợp Công an tỉnh phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ người dân đi lại an toàn.

Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các Công ty TNHH MTV thủy lợi và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê điều, hồ đập; rà soát phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai để hoàn thiện các kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai phù hợp với tình hình thực tế; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc xây dựng phương án sơ tán người dân và tài sản ở khu vực hạ du các hồ chứa đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền được giao trong việc thành lập đội ứng trực PCTT&TKCN (gồm: bảo vệ, cán bộ công nhân viên các bộ phận ...) theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn hệ thống điện, khi cần ứng cứu phải kịp thời báo cáo cơ quan chức năng.

Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống truyền tải điện trên địa bàn tỉnh; chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó sự cố điện trong điều kiện thời tiết phức tạp; chỉ ngừng cung cấp điện khi cần thiết.

UBND các huyện, thành phố:

Khẩn trương kiểm tra, rà soát đánh giá nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng trên địa bàn để có kế hoạch, phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa lũ, giao UBND các xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích PCTT&TKCN do 01 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo để xây dựng phương án phong tỏa, cảnh báo, cấm đường không để người dân đi qua khu vực nguy hiểm; đồng thời, sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Đảm bảo các điều kiện cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Chánh Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo Văn phòng thường trực hoàn thành tốt các nhiệm vụ quy định tại Quy chế về Tổ chức và hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Kịp thời tham mưu, đề xuất với Trưởng ban để chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo ứng phó với tình hình mưa lũ, thiên tai xảy ra. Đề xuất Trưởng ban, các Phó trưởng ban kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; Đề xuất với Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề phát sinh trong công tác PCTT, khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục sự cố công trình thủy lợi; Đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định khác của pháp luật hiện hành./.

Hồng Hà