Được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng vũ trang, khi trở về cuộc sống đời thường, với tinh thần tự lực, tự cường, nhiều cựu chiến binh lại tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế. Qua đó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
Xuất ngũ trở về quê hương, cựu chiến binh Nghiêm Xuân Kiên ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường đã quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh, trồng đào Nhật Tân. Đứng trước không ít những khó khăn, thử thách trước biến động của thị trường, song với sự năng động, sáng tạo và bản lĩnh, nghị lực của người lính Cụ Hồ, cơ sở của cựu chiến binh Kiên từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng một người một tháng.
Mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh Nghiêm Xuân Kiên là một tấm gương điển hình về ý chí, nghị lực vươn lên chinh phục những khó khăn trên mặt trận kinh tế của xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Các mô hình làm kinh tế của cựu chiến binh đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, sáng ngời phẩm chất bộ đội cụ Hồ.
Dù ở mặt trận nào, những người lính Cụ Hồ đều phát huy những phẩm chất cao đẹp, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước những khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế, xây dựng Đất nước quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đặng Thưởng