Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.
Hội nghị kết hợp trực tiếp với trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu UBND 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án, công trình trọng điểm.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thể, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là thành viên Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Triển khai nghị quyết đại hội Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia trình Quốc hội thông qua làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng. Đây là các dự án hạ tầng giao thông có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, vai trò động lực, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, tăng năng lực cạnh canh quốc gia.
Do vậy, ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 884/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban chỉ đạo). Đồng thời, đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quy định cụ thể trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo.
Theo Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần. Trong đó, Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng chiến lược, tập trung hạ tầng giao thông, mang tính liên vùng, liên tỉnh. Hiện nay, về mặt vốn đã và đang triển khai tích cực vì đã giảm số dự án đầu tư của cả nước xuống dưới 5.000 dự án, tập trung cho các dự án lớn và đã huy động nguồn vốn trung ương, địa phương, huy động từ nguồn trung hạn, nguồn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nguồn tăng thu tiết kiệm chi.
Theo Thủ tướng, vấn đề là làm sao giải ngân được các nguồn vốn này trong khi có rất nhiều thủ tục, quy định còn rườm rà chưa sửa kịp nhưng lại là quy định phải chấp hành.
"Tình hình khác thì phải có biện pháp khác, trong đó có các biện pháp tổng hợp liên quan chuẩn bị dự án, đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện, giải ngân thì mới có thể thực hiện được khối lượng công việc lớn hơn. Hiện nay, các cấp, các ngành đang thực hiện các biện pháp tổng hợp, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện những năm qua, những gì tốt rồi thì phát huy, chưa tốt thì khắc phục, những gì phát sinh mới thì thích ứng ngay, linh hoạt, hiệu quả" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo Nhà nước được thành lập để chỉ đạo các công việc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để khớp nối lại các công việc, để theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất giải quyết những vướng mắc.
“Hôm nay ra mắt Ban Chỉ đạo để cần thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, tinh thần là không hình thức, phải hiệu quả, thực chất, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của Trung ương và địa phương, tất cả vì dân vì nước. Nếu chúng ta triển khai chậm sẽ lãng phí nguồn lực, hiệu quả thấp trong khi nhân dân đang mong đợi, yêu cầu bức thiết. Chúng ta cần thực hiện các đột phá chiến lược đã đề ra. Đề nghị quán triệt nhận thức này để làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả cao nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ GTVT đã báo cáo tổng hợp tiến độ các dự án, dự án thành phần do Bộ làm cơ quan chủ quản và các dự án, dự án thành phần do các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản, đồng thời chỉ ra những khó khăn vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm chia sẻ công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ thi công. Mặc dù các địa phương đã quyết liệt, tập trung triển khai, tuy nhiên do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trải dài, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh như xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường; khiếu nại của người dân… nên tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, triển khai từ giữa năm 2019, đến nay vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời; dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương triển khai từ năm 2011 đến nay giải phóng mặt bằng mới đạt 84%...
Cùng với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, do số lượng các dự án giao thông có quy mô lớn đồng loạt triển khai nên nhu cầu nguồn vật liệu đắp nền đường rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ ra những hạn chế khác như do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoạn, trong 02 năm qua, thời tiết tại một số khu vực có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ làm tiến độ thi công một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu;
Năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, của lực lượng tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai đồng thời các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay;
Một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án/dự án thành phần như vốn xây dựng trụ sở của các cơ quan quản lý tại CHKQT Long Thành; vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các dự án/dự án thành phần các đường vành đai…;
Các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế như đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài.../.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hop-ban-chi-dao-cac-du-an-quan-trong-quoc-gia-trong-diem-post962322.vov