Cập nhật: 12/08/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Năm 2022 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với nông dân trong tỉnh, nhất là đầu năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng đây cũng là năm tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của nông dân trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng khi nước ta đã mở rộng hội nhập quốc tế, qua đó mở ra nhiều cơ hội để người nông dân có thể tiếp cận sâu rộng với những tiến bộ khoa học trong khu vực và trên thế giới.

Với xu thế phát triển trong thời kỳ mới, nông dân Vĩnh Phúc đã và đang ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị kinh tế cao, không ngừng chuyển đổi, dồn ghép ruộng đất tạo nên cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất vươn lên làm giàu bền vững.

Nắm được xu thế trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, thời gian gần đây, tại các địa phương trong tỉnh dần xuất hiện những mô hình kinh tế nông nghiệp với phương thức sản xuất, kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở đó, những nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư hàng tỷ đồng để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Năm 1986, ông Đỗ Văn Quyền xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch được giao đất để trồng cây phủ trống đồi núi trọc. Thời gian đầu, xác định phải "an cư" thì mới "lập nghiệp", ông Quyền đã dựng ngôi nhà gỗ 3 gian lợp lá để làm chỗ ở cho cả gia đình. Sau đó, đến năm 1990, gia đình ông đầu tư mua thêm đất của người dân trên địa bàn để mở rộng trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Những ngày đầu mới bắt tay vào làm nông nghiệp, bản thân ông và các thành viên trong gia đình đều rất bỡ ngỡ. Thế nhưng, quyết không nản chí, ông Quyền đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn, tích cực tham gia các khóa tập huấn đồng thời kiên trì áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, mô hình của gia đình ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đỗ Văn Quyền chỉ là 1 trong số những nông dân thời đại 4.0 đang từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm mới của những người như ông đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu khắt khe của cơ chế thị trường. Ðây được xem là “chìa khóa” để mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của các cấp Hội, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của hội viên nông dân trong tỉnh, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động cho thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, được cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực. Từ phong trào này đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

Thu Thủy