Ngân hàng phải mất 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh theo biểu lãi suất huy động mới. Trong khi đó, định hướng xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi sau dịch.
Nhiều ngân hàng lo ngại lợi nhuận sẽ giảm trong 2 quý cuối năm do lãi suất huy động tăng. (Ảnh: Vietnam+)
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7/2022 tăng 9,42% so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, huy động vốn tháng Bảy tăng trưởng 4,2% so với cuối năm 2021 hoặc 9,9% so với cùng kỳ. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động vốn-tín dụng tiếp tục giảm mạnh, tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động.
Với việc tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với huy động, các ngân hàng đã phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động tăng từ 0,5%-1% so với cuối năm 2021.
Lãi suất tiếp tục lập đỉnh mới
Bước sang tháng Tám, cuộc đua lãi suất vẫn chưa hạ nhiệt, các "ông lớn" vốn được biết đến với lợi thế "tiền rẻ" cũng đã nhập cuộc. Mức lãi suất trên 7% đã xuất hiện nhiều hơn.
Cụ thể, với lần tăng này, vị trí dẫn đầu đã có sự thay đổi. Nếu tháng trước Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đầu với kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy là 7,3%/năm thì nay vị trí này thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng (CBBank), với lãi suất tăng lên 7,45%/năm. CCBank cũng vươn lên dẫn đầu luôn cả các kỳ hạn 9 tháng và 6 tháng lần lượt là 7,2%/năm và 7,1%/năm. Còn gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng, SCB vẫn dẫn đầu với lãi suất 7,55%/năm, xếp thứ 2 là CCBank với 7,5%/năm.
Như vậy, với kỳ hạn 6 tháng, giờ đã có ngân hàng đẩy lãi suất vượt qua mốc 7%/năm. Cùng với đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn này lên tiệm cận 7%/năm. Chẳng hạn như SCB 6,9%/năm.
Hiện có khoảng 10 ngân hàng đang huy động lãi suất huy động trên 7%/năm: Bac A Bank, Nam A Bank, BaoVietBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank... áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng.
Đáng chú ý nhất ở đầu tháng Tám là xuất hiện ngân hàng lớn tốp 4 cũng vào cuộc tăng lãi suất.
Theo đó, “anh cả” của hệ thống là Vietcombank đã công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng trong tháng Tám tăng thêm từ 0,1%-0,2% ở một số kỳ hạn. Như vậy, đến thời điểm này, trong các ngân hàng thương mại nhà nước đã có Vietcombank, BIDV và Agribank tăng nhẹ lãi suất đầu vào, riêng VietinBank vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 5,6%/năm cho các kỳ hạn gửi dài.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và những tác động của lạm phát.
Cụ thể, về mặt cung cầu, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến cho nhu cầu về tín dụng quay trở lại. Từ đó, giá của tiền tệ hay nói cách khác là lãi suất cũng có thể "nối gót" đi lên. Nền kinh tế sau dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập và tích lũy của người dân cũng đã không còn ở mức như trước. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn hơn, đủ để người dân hoãn sự chi tiêu ở hiện tại và tiết kiệm cho tương lai.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng tăng lãi suất còn có một phần là do bị ảnh hưởng bởi xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Lãi suất USD của các ngân hàng Việt Nam cũng tăng lên, gây ra một số áp lực nhất định cho lãi suất VND.
Áp lực bủa vây tứ phía
Việc mặt bằng lãi suất huy động liên tục điều chỉnh theo xu hướng tăng trong thời gian gần đây đã dấy lên lo ngại bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong chặng đường 6 tháng cuối năm 2022 được dự báo sẽ gặp ít nhiều "sóng gió."
Thông thường, lãi suất cho vay sẽ tăng theo lãi suất huy động và có độ trễ nhất định. Các ngân hàng phải mất từ 1 đến 2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo biểu lãi suất huy động mới.
Trong khi đó, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Điều này sẽ khiến việc tăng lãi suất cho vay sẽ trễ hơn và với biên độ nhẹ hơn.
Tăng trưởng tín dụng từ tháng 1 đến tháng 7/2022
Công ty Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5%-0,7 điểm phần trăm trong 2 quý cuối năm và cả năm 2022 tăng từ 1%-1,5%/năm. Vì vậy, SSI cho rằng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng có thể thấp hơn so với 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như 2 năm trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, các ngân hàng “kiếm bộn” từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, nhất là trước áp lực lạm phát tăng, nên để đạt được mục tiêu kỳ vọng, các ngân hàng buộc phải thắt chặt chi phí hoạt động, tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn.
Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ các ngân hàng thường phải duy trì NIM thực tế ở mức 3% để đảm bảo lợi nhuận và khả năng chống đỡ rủi ro nợ xấu tăng. Nhưng hiện nay, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay ra lại không được tăng sẽ tác động lên kết quả hoạt động trong 2 quý cuối năm 2022. Ngoài ra, theo Thông tư 08/2021/TT-Ngân hàng Nhà nước, kể từ 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống mức 34% cũng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn.
Chia sẻ tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 11/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian tới, cơ quan này sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng còn lại.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
Bà Hồng cho biết thêm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Ví dụ, đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.
Về tín dụng, có ý kiến muốn tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đây là áp lực lớn đối với Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Từ góc độ như vậy, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
“Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững,” Thống đốc nhấn mạnh./.
Theo Thúy Hà (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-chiu-suc-ep-lon-tu-cuoc-dua-lai-suat-huy-dong/810676.vnp