Cập nhật: 18/08/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Kinh tế tập thể đang dần trở thành chủ lực trong phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều HTX đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, lĩnh vực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bắt kịp xu thế phát triển hiện nay.

HTX dịch vụ và chăn nuôi Ánh Dương, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, trước đây nuôi gà, nuôi cá trắm, cá trôi là chủ đạo. Nhưng từ năm ngoái, ông Vũ Trung Học, Giám đốc HTX đã mạnh dạn nghiên cứu thay đổi vật nuôi trong ao. Tháng 12 năm ngoái, ông thả hơn 1 vạn con cá lăng giống trong ao - loài cá mà trước đây chủ yếu nuôi lồng bè trên sông - và ông đã trở thành người đầu tiên của tỉnh nuôi cá lăng trong ao. Sau gần 1 năm chăm sóc, cá lăng phát triển tốt tại môi trường ao nuôi kín và hẹp.

Nhiều HTX khác trong tỉnh cũng đã mạnh dạn thay đổi tư duy, thay đổi cây trồng vật nuôi và hình thức kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, nhiều thành viên HTX không chỉ có thể phát triển kinh tế ngay tại địa phương mà còn tạo ra những chuỗi sản xuất liên kết bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân.

Toàn tỉnh hiện có 25 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trên 750 HTX và 31 Quỹ tín dụng Nhân dân với tổng số hơn 200 nghìn thành viên. Các HTX, tổ hợp tác đã giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 203 nghìn lao động. Có thể thấy kinh tế tập thể, HTX có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động; không chỉ tạo sự ổn định về chính trị-xã hội mà còn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 được hi vọng sẽ là đòn bẩy, tạo động lực mới cho kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển đột phá, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội./.

Hà Giang