Đêm 23/8/2022, cơn bão số 3 có tên quốc tế là Ma-On đã đi vào Biển Đông. Hồi 10 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gân tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Dự báo hướng đi của bão số 3. Ảnh: NCHMF
Dự báo trong 24-48 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc đi vào đất liền Trung Quốc và suy yếu thành vùng áp thấp ở sát các tỉnh biên giới của Việt Nam. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, dự báo từ chiều ngày 25 đến đêm 26/8 các tỉnh phía Bắc trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 100-150mm, có nơi trên 150mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão và mưa lũ sau bão, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện ngay những nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về PCTT&TKCN được giao theo thẩm quyền.
Theo dõi chặt chẽ về diễn biến của bão, diễn biến mưa lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tố chức di dời, sơ tán người dân; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Chỉ đạo các đơn vị thoát nước trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, mương, hệ thông công thoát nước; giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, phát hiện những sự cố làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và có phương án xử lý để thoát nước nhanh, kịp thời, không để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn do dòng chảy không được khơi thông kịp thời.
Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp nhất là đối với các diện tích lúa mùa, diện tích nuôi trồng thủy sản, khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu vực bệnh viện và các khu, cụm công nghiệp.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, bão để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn; quản lý, trông giữ, không để trẻ em chơi đùa, đi lại tại các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, cổng Thông tin giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc và các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh; các cơ quan thông tin truyền thông cơ sở tăng cường đưa tin về bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua văn phòng thường trực) theo số điện thoại: 3.862.518; Email: pclbvp@gmail.com
ĐT