Cập nhật: 26/08/2022 18:45:00
Xem cỡ chữ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to. 

Lượng mưa đo được từ 13giờ 00 ngày 25 đến 13 giờ 00 ngày 26/8 tại: Vĩnh Yên 172mm, Tam Đảo 210mm, Quảng Cư (Lập Thạch) 152mm, Tam Dương 198mm, Vĩnh Tường 170mm, Bình Xuyên 132mm, Xuân Hòa 129mm, Phúc Yên 69mm. Như vậy, lượng mưa đã vượt mức dự báo ban đầu (từ 100- 150mm, có nơi trên 150mm).

Mực nước tại các hồ chứa và trên các sông nội đồng đang ở mức cao: Hồ Đại Lải là 20,92m (thấp hơn mực nước dâng bình thường là 0,58m); Thanh lanh là 76,0m (thấp hơn mực nước dâng bình thường là 0,6m). Các hồ đang xả tràn tự do (không có cửa van điều tiết) gồm: Lập Đinh xả tràn 0,35m; Làng Hà xả tràn 0,75m; Vĩnh Thành xả tràn l,0m; Gia Khau xả tràn 0,lm; Bản Long xả tràn 0,55m; Vân Trục xả tràn 0,35m; Bò Lạc xả tràn 0,55m; Suối Sải xả tràn 0,60m; Hồ Đại Lải đang xả tràn theo quy trình vận hành với lưu lượng 10m3/s. Mực nước sông Phan tại Vĩnh Sơn là 10,55m, tại Sáu Vó là 7,3m, tại Điều tiết Lạc ý là 8,25m; Sông Cà Lồ tại Nam Viêm là 6,77m.

Hiện nay, các ao, hồ, đầm, vùng trũng... đều đã đầy nước và không có khả năng chứa nước thêm nếu tiếp tục có mưa; nền đất đã bão hòa nước, dễ xây ra sạt lở. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia chiều và đêm 26/8, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khả năng còn tiếp tục có mưa, với lượng phổ biến từ 30-50mm.

Để tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ sau bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện ngay những nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 06/CĐ-PCTT ngày 24/8/2022 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

2. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (được kiện toàn theo Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 26/5/2022 của UBND tỉnh) theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về PCTT&TKCN được giao theo thẩm quyền.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

4. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra những tuyến đường có nguy cơ ngập sâu, khu vực chia cắt sạt lở để tổ chức phân luồng, cắm biển cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông. Xử lý ngay những điểm sạt lở để giao thông không bị gián đoạn, ách tắc.

5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động các biện pháp ứng phó, đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn do mưa lũ.

Chỉ đạo đội ứng trực PCTT&TKCN sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xẩy ra, trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn hệ thống điện, khi cần ứng cứu phải kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng.

6. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: nắm bắt tình hình về mưa lũ, hỗ trợ giúp người dân, các cơ quan, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại trong và sau mưa lũ; Chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự và giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực):

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình thời tiết, thiên tai, thiệt hại cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành... triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, hệ thống công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh để phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống ngay từ giờ đầu.

Các Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi:

- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tháo dỡ các vật cản trên hệ thống kênh tiêu, luồng tiêu, trục tiêu theo phân cấp quản lý tại Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh. Chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, các cống tiêu, điều tiết.

- Xử lý những tuyến kênh bị sạt lở, đảm bảo an toàn công trình; chủ động các phương án chống tràn các bờ bao, tuyến sông, kênh tiêu bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. 

8. Sở Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tăng cường đưa tin về mưa lớn, sạt lở đất, ngập úng... đến người dân để chủ động các biện pháp ứng phó.

9. UBND các huyện, thành phồ rà soát, khơi thông các cống, luồng tiêu đảm bảo tiêu thoát nước khi tiếp tục có mưa. Rà soát, kiểm tra các ao, hồ đầm, vùng trũng đã ngập sâu, ... để triển khai thực hiện ngay các biện pháp chống đuối nước.

10. Công ty Điện lực Vĩnh Phúc rà soát, đảm bảo tuyệt đối an toàn hệ thống truyền tải điện; chủ động phương án phòng tránh, ứng phó sự cố điện trong điều kiện thời tiết phức tạp.

ĐT