Cập nhật: 28/08/2022 11:45:00
Xem cỡ chữ

Các nhà quan sát nhận định chiến tranh hạt nhân là sự kiện khó có khả năng xảy ra nhưng không phải là mối đe dọa không có thật.

Khó xảy ra nhưng không phải là mối đe dọa không có thật

Cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 7 giữa bối cảnh các chuyên gia hy vọng cuộc xung đột này sẽ không lan sang quốc gia khác hay tệ hơn là trở thành chiến tranh thế giới thứ ba. Trong một bài phát biểu ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "Mỹ không có ý định chiến tranh với Nga", song cũng khẳng định rằng: "Mỹ và đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO".

hau qua khung khiep neu xung dot o ukraine bien thanh chien tranh hat nhan nga-my hinh anh 1

Hình ảnh minh họa nếu một quả bom hạt nhân phát nổ trong một thành phố. Ảnh: Shutterstock

Trong khi đó, khi được hỏi liệu học thuyết quân sự của Nga có cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không, ông Medvedev trả lời rằng quan điểm hạt nhân của Moscow đã được công khai.

“Có 4 lý do cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là phóng tên lửa hạt nhân, sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng kiểm soát vũ khí hạt nhân, hoặc các hành động khác đe dọa sự tồn tại của nhà nước [Nga]”, ông Medvedev cho biết, đồng thời nói thêm rằng cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nêu trên xảy ra.

Các nhà quan sát nhận định với Insider rằng chiến tranh hạt nhân là sự kiện khó có khả năng xảy ra nhưng không phải là mối đe dọa không có thật.

"Tôi hy vọng cuộc chiến này sẽ không leo thang và tôi nghĩ có những tín hiệu khả quan cho thấy điều đó không xảy ra nhưng việc các quốc gia hạt nhân tham gia vào xung đột là rủi ro hiện hữu", Tara Drozdenko, giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh các nhà khoa học nhận định với Insider.

"Ukraine không có vũ khí hạt nhân, vì thế rủi ro chiến tranh hạt nhân trong viễn cảnh này là bằng một cách nào đó, xung đột leo thang, kéo theo các quốc gia NATO hoặc Mỹ can dự vào cuộc chiến. Điều đó làm dấy lên rủi ro đối đầu hạt nhân bởi một số quốc gia NATO sở hữu vũ khí hạt nhân".

Mỹ có khoảng 5.500 đầu đạn hạt nhân trong khi con số này của Nga là 6.000, Hiệp đội các nhà khoa học Mỹ cho hay. Theo bà Drozdenko, vũ khí hạt nhân của Mỹ có đương lượng nổ khoảng 300 kiloton TNT trong khi vũ khí hạt nhân của Nga có đương lượng nổ từ 50 - 100 kiloton cho tới 500 - 800 kiloton.

"Các vũ khí hiện đại mạnh hơn những quả bom từng được thả xuống Hiroshima và Nagasaki từ 20 - 30 lần. Nếu Nga và Mỹ khai hỏa mọi thứ mà họ sử hữu, đó có thể là sự kiện chấm dứt nền văn minh này", nhà quan sát Drozdenko đánh giá.

Hậu quả khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân

Chỉ một vụ nổ hạt nhân cũng đã dễ dàng xóa sổ toàn bộ một thành phố, Kathryn Higley, giáo sư về khoa học hạt nhân tại Đại học Bang Oregon nhận định.

"Khó mà có thể khẳng định thành phố này sẽ sống sót còn thành phố kia thì không. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào quy mô vũ khí, địa hình, nơi chúng được kích hoạt, hướng gió".

Khi một quả bom hạt nhân được kích hoạt, nó sẽ tạo ra một luồng sáng, hình thành nên một quả cầu lửa hình cam khổng lồ và tạo ra sóng xung kích có thể làm đổ các tòa nhà. Những người ở trung tâm của vụ nổ (trong phạm vi gần 1km với một quả bom 300 kiloton) có thể sẽ thiệt mạng ngay tức khắc trong khi những người ở khu vực xung quanh có thể bị bỏng cấp độ 3. Một vụ nổ hạt nhân 1.000 kiloton có thể mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 3 thêm 8km, mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 2 thêm 10km, và mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 1 thêm 6km, ước tính của AsapScience cho hay. Những người ở khoảng cách 85km có thể bị mù tạm thời.

"Bạn có thể nói rằng bạn ở một thành phố đủ xa trung tâm vụ nổ để không chịu những tác động chết người từ phóng xạ nhưng có khả năng cao bạn vẫn bị thương do một tòa nhà đổ hoặc bị bỏng cấp độ 3 phần lớn cơ thể. Sẽ không có đủ giường bệnh ở Mỹ để đối phó với một vụ tấn công hạt nhân kể cả khi nó chỉ nhắm một thành phố", chuyên gia Drozdenko bình luận.

Các vụ nổ hạt nhân cũng có thể tạo những đám mây bụi và những phân tử phóng xạ giống như hạt cát phát tán trong không khí, còn được gọi là các đám mây bụi phóng xạ. Việc bị phơi nhiễm trước chúng sẽ dẫn đến ngộ độc phóng xạ, phá hủy các tế bào trong cơ thể và gây tử vong.

Các đám mây phóng xạ có thể cản trở ánh sáng mặt trời, khiến nhiệt độ giảm mạnh và rút ngăn thời gian phát triển của các cây trồng quan trọng. Chuyên gia Drozdenko cho rằng vụ mùa sụt giảm sẽ diễn ra trong nhiều thập kỷ và gây ra nạn đói ở một số nơi.

Nếu một vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ 300 kiloton tấn công vào một thành phố có diện tích bằng thủ đô Washington của Mỹ, nhiều người dân sẽ không thể sống sót và những người ở gần đó sẽ bị thương nghiêm trọng.

"Lượng phóng xạ chết người sẽ bao phủ hầu hết thành phố và có thể lan rộng tới Virginia", chuyên gia Drozdenko nói.

Bà Drozdenko ước tính, một vụ nổ hạt nhân có thể khiến 300.000 người thiệt mạng ở Washington và nhiều người khác bị thương. Nếu số lượng vũ khí hạt nhân được sử dụng tăng lên, số người thiệt mạng có thể lên tới hàng triệu người, phụ thuộc vào việc có bao nhiêu quả bom được thả xuống và mức độ của các vụ nổ.

"Vũ khí càng lớn, bán kính sẽ càng lớn".

Mức độ bụi phóng xạ của một quả bom hạt nhân cũng phụ thuộc vào cách thức nó được kích hoạt. Nếu vũ khí hạt nhân này được kích hoạt trên mặt đất, vụ nổ sẽ tạo ra bụi phóng xạ và các vật chất khác phát tán trong không khí. Nếu vũ khí hạt nhân được kích hoạt trong không trung, sóng xung kích sẽ lan tới mặt đất và được khuếch đại thêm, dẫn tới sự phá hủy ở một quy mô rộng lớn hơn. Vụ nổ trong không trung cũng tạo ra các vật liệu phóng xạ ở độ cao 80km trong không khí, Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho hay.

Các quốc gia thường dựa vào các mô hình và các vụ thử vũ khí để dự đoán tác động nhưng khó có thể biết được một vụ nổ hạt nhân hiện đại sẽ diễn ra như thế nào trong thực tế.

"Điều này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Các vũ khí hạt nhân duy nhất từng được sử dụng là trong Thế chiến II”, bà Drozdenko nhận định./.