Cập nhật: 31/08/2022 07:32:00
Xem cỡ chữ

Nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của các danh thắng, di sản này tới du khách.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Từ năm 2008, bằng nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích do Sở VHTTDL làm chủ đầu tư đã tu bổ được 64 di tích với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều di tích được tu bổ từ nguồn kinh phí huy động xã hội hóa do các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện.

Nhiều di tích được đầu tư tôn tạo có quy mô lớn như di tích: Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hi sinh tháng 12/1972, Chùa Hang (thành phố Thái Nguyên); khu di tích ATK Định Hóa với các di tích tiêu biểu như địa điểm Trường Nguyễn Ái Quốc, địa điểm thành lập Ủy Ban kiểm tra Trung ương, địa điểm trụ sở làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng (1947-1948); đình - đền - chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình); địa điểm di tích nơi công bố ngày thương binh - liệt sỹ toàn quốc (ngày 27/7/1947); nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam 15/7/1950 (huyện Đại Từ), khu di tích cách mạng xã Tiên Phong, đền Lục Giáp (thành phố Phổ Yên)...

phat huy gia tri di san van hoa truyen thong tai thai nguyen hinh anh 1

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành đạt hiệu quả, chất lượng công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê và công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên với 550 di sản. Đến nay đã có 17 di sản được đưa vào Danh mục quốc gia như: Múa Tắc xình, Hát Sấng cọ, Lễ hội Cầu mùa (của người Sán Chay), Lễ Cấp sắc, Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng Chầm đao), Pả dung (của người Dao); Rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ, Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tồng, Lượn cọi (của người Tày), Soọng Cô, Nghi lễ Cấp sắc (của người Sán Dìu), Nghi lễ Hắt khoan, Nghi lễ Cấp sắc (của người Nùng), Lễ hội Đền Đuổm (huyện Phú Lương), Lễ hội đình Phương Độ (huyện Phú Bình), Nghệ thuật Khèn của người Mông.

Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp thực hiện và hoàn thành hồ sơ quốc gia Then Tày - Nùng - Thái, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và ngày 13/12/2019, di sản đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

phat huy gia tri di san van hoa truyen thong tai thai nguyen hinh anh 2

Truyền dạy hát then, đàn tính tại Thái Nguyên.

Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng và di sản văn hóa truyền thống tại Thái Nguyên. Hiện nay đến với Thái Nguyên, du khách sẽ được tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ), hang Phượng Hoàng, hang và suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai), động Chùa Hang, Động Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên),... tìm hiểu loại hình văn hóa truyền thống như hát then, đàn tính, múa rối cạn của làng Thẩm Rộc và Du Nghệ của dân tộc Tày - ATK Định Hóa, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, hát Soọng Cô dân tộc Sán Dìu xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Đền Đuổm, lễ hội Chùa Hang…

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án liên quan đến phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 đã xác định phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch, trong đó có phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản sẵn có.

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên, phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng và di sản văn hóa truyền thống tại Thái Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Du lịch phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, đồng thời du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá ở các địa phương trong tỉnh. Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của các danh thắng, di sản văn hoá tới du khách đến Thái Nguyên. Thông qua hoạt động du lịch, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng mà còn được tìm hiểu, trải nghiệm, cảm nhận được các giá trị các di sản văn hóa truyền thống./.

Theo Hải Nam/VOV.VN

https://vov.vn/van-hoa/di-san/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-truyen-thong-tai-thai-nguyen-post965938.vov