Sau khi tăng giá lên mức cao nhất trong 20 năm qua, đồng đôla Mỹ đang gây áp lực không nhỏ lên các thị trường mới nổi. Theo giới quan sát, nhiều quốc gia sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và ngăn chặn đồng nội tệ mất giá.
Đồng đôla Mỹ đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ vào 29/8 khi chỉ số Dollar index lên mức 109,48. Đây được xem là phản ứng của thị trường trước những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell về việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ.
“Trọng tâm hiện nay là đưa tỉ lệ lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Vì nếu không có sự ổn định giá cả, Mỹ sẽ không đạt được một thời kỳ phát triển bền vững với thị trường lao động có lợi cho người dân. Dù giảm tỉ lệ lạm phát gây ra một số thiệt hại. Nhưng thất bại trong việc ổn định giá cả còn gây ra những thiệt hại lớn hơn”, ông Jerome Powell cho biết.
Đồng đôla Mỹ mạnh đang gây áp lực lên các thị trường mới nổi (Ảnh minh họa: KT)
Theo Forbes, một đồng đôla mạnh giúp giảm tình trạng lạm phát tại Mỹ vì hàng hoá nhập khẩu vào nước này sẽ trở nên rẻ hơn. Trong tháng 6 qua, Mỹ đã nhập siêu 79,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đồng bạc xanh của Mỹ lại gây áp lực không nhỏ lên các thị trường mới nổi vì đồng nội tệ của các nước này mất giá so với đồng đôla Mỹ. Trong phiên giao dịch 29/8, giá trị đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, 80,075 rupee đổi được 1 USD. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, đạt 6,9321 NDT đổi 1 USD.
Trước thách thức từ đồng đôla Mỹ mạnh lên, các chuyên gia dự báo, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục tăng lãi suất để giữ giá đồng nội tệ và kiềm chế lạm phát, bất chấp những tác động tiêu cực không mong muốn. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ trong năm nay đã nâng lãi suất thêm 140 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương châu Âu lần đầu tiên phải tăng lãi suất trong 11 năm qua. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết, sẽ tiếp tục tăng lãi suất và nước này khó có thể ngừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ trước Mỹ.
“Đáng lẽ phải bắt đầu tăng lãi suất từ tháng Giêng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã không làm như vậy. Vì vậy, họ đã đi sau. Nhưng tôi nghĩ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã không thực sự nhận ra ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá hơn nữa”, GS. Vinod Agarwal, trường Đại học Old Dominion nêu ý kiến.
Lãi suất tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nội địa tăng, có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, khi đồng đôla mạnh của Mỹ tăng giá, nhiều quốc gia sẽ vẫn phải chấp nhận kê liều thuốc đắng này nhằm giữ giá đồng nội tệ và kiềm chế lạm phát./.
Theo Thiều Dương/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/dong-dola-my-manh-dang-gay-ap-luc-len-cac-thi-truong-moi-noi-post966898.vov