Khuyết tật trí tuệ không chỉ có ở trẻ em mà thực tế nó tồn tại ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí tồn tại suốt đời.
Người bị khuyết tật trí tuệ chậm phát triển về tư duy, giảm khả năng ngôn ngữ giao tiếp, bất thường về hành vi và cảm xúc, rối loạn cảm giác khác nhau. Chỉ khoảng 20% trẻ khuyết tật trí tuệ có thể giao tiếp được và học được nhưng vẫn gặp khó khăn trong quan hệ xã hội. 80% còn lại tiếp tục trưởng thành và trở thành người lớn mắc các dạng tật khác nhau. Như vậy sẽ có tới 80-90% người khuyết tật trí tuệ trong độ tuổi lao động không thể tìm được việc làm.
Thực tế, vẫn có rất nhiều người có điểm mạnh về khả năng quan sát, năng khiếu nghệ thuật và sự tập trung cao độ. Việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trí tuệ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ có được cuộc sống, công việc mà còn góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại cơ sở hướng nghiệp dành cho học sinh bị khuyết tật trí tuệ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí Vĩnh Phúc. Mục tiêu cho học sinh khuyết tật trải nghiệm các hoạt động thực nghiệp hướng nghiệp với một số nghề, công đoạn đơn giản như: làm oản nghệ thuật và sắp lễ thủ công. Bên cạnh đó, các em được học kỹ năng sống, rèn luyện các kỹ năng tự lập và hòa nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật. Căn cứ vào những đặc điểm của học sinh khuyết tật trí tuệ, các em vẫn có khả năng lao động nếu có người hướng dẫn tận tình, sắp xếp và lựa chọn những ngành nghề, công đoạn đơn giản, phù hợp thì các em vẫn có thể lao động để hưởng lương và tự lập một phần trong cuộc sống.
Học sinh khuyết tật trí tuệ sẽ khó khăn hơn trong quá trình học nghề so với những học sinh bình thường, do vậy các giáo viên hướng nghiệp phải tỉ mỉ hơn, kiên nhẫn và mất nhiều thời gian hơn.
Đào tạo và hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật trí tuệ là vấn đề khó hơn rất nhiều so với đào tạo nghề cho học sinh bình thường, nhưng thực tế cho thấy các em có khả năng lao động nếu được hướng dẫn kỹ lưỡng về lâu dài, các phương pháp can thiệp sớm và hỗ trợ học đường cho các em nếu không được tiếp nối bằng đào tạo, dạy nghề hướng nghiệp, tìm việc làm thì sẽ chưa tạo ra được cơ sở để các em về sau tự làm chủ cuộc sống của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ việc làm dành cho người khuyết tật không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ có được một cuộc sống, công việc, mà còn là bài toán kinh tế để giảm bớt các gánh nặng cho cộng đồng, xã hội và gia đình./.
Thuỳ Linh