Từng là đội trưởng đội thi công các công trình lớn ở Đà Nẵng, nhưng Văn đã chiếm đoạt tiền lương của công nhân, tiền vật liệu rồi trốn truy nã 14 năm trong chùa.
Ngày 14/9, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Công Văn (72 tuổi, trú huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tuyên phạt Nguyễn Công Văn mức án 10 năm tù, buộc bị cáo hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Công Văn tại phiên tòa (Ảnh: Hoài Sơn).
Theo cáo trạng, năm 2005, Văn làm đội trưởng đội thi công công trình của Công ty Xây dựng công trình giao thông 501, được công ty giao khoán 3 hạng mục thuộc công trình bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng và công trình nâng cấp, cải tạo đường ĐT 605.
Dù Công ty Xây dựng công trình 501 đã trả tiền thi công nhưng Văn không trả nợ các khoản lương công nhân, tiền vật tư, các chi phí thi công, mà dùng đầu tư kinh doanh, khi thua lỗ thì bỏ trốn, chiếm đoạt gần 600 triệu đồng (tương đương 75 lượng vàng năm 2005).
Trước tòa, Văn khai vay mượn nhiều nạn nhân số tiền 10-150 triệu đồng, lãi suất từ 2-5%/tháng, thời gian vay 3-6 tháng. Trong các nạn nhân, có cả nhân viên, đồng nghiệp của Văn.
Theo lời khai của bà N.T.P (ngụ TP Đà Nẵng), trước đây đã nhiều lần cho Văn mượn tiền và được trả đúng hẹn nên vợ chồng bà đã tiếp tục cho Văn vay mà không nghi ngờ gì.
Đến tháng 9/2006, Văn cắt liên lạc với vợ chồng bà, bỏ đi khỏi địa phương để trốn tránh việc trả nợ.
Hành trình đi tìm Văn đòi nợ rất gian nan, từ 2005, bà đi khắp Thanh Hóa, Khánh Hòa tìm Văn.
Đến ngày 23/12/2006, bà P. tìm thấy Nguyễn Công Văn tại xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Tại đây, Văn viết giấy cam kết trả nợ nhưng sau đó tiếp tục bỏ trốn, cắt liên lạc.
Năm 2008, Công an quận Cẩm Lệ ra quyết định truy nã Nguyễn Công Văn. Sau 14 năm lẩn trốn ở nhiều tỉnh, thành, Văn bị bắt vào tháng 2/2022.
Tại tòa, Nguyễn Công Văn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai, sau khi vay mượn tiền, đã tìm nhiều cách để xoay xở trả nợ nhưng quá khó khăn, đường cùng mới chọn cách cắt liên lạc và bỏ trốn.
Trong thời gian bỏ trốn, bị cáo đã vào chùa tu và trở thành tu sĩ. Những tháng ngày ở chùa, là thời gian bị cáo dành để sám hối về những gì bản thân đã gây ra.
Theo những bị hại này, số tiền mà Văn vay họ vào thời điểm 2005 là rất lớn. Đối với nhiều người, là cả gia tài, cũng vì hành vi trốn nợ của Văn mà bị hại có người mất mạng, người ly hôn, người thì nợ nần chồng chất đến nay vẫn còn nợ.
Theo Hoài Sơn/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/phap-luat/doi-truong-chiem-doat-tien-luong-cong-nhan-tron-truy-na-trong-chua-20220914142030738.htm