Cập nhật: 19/09/2022 09:05:00
Xem cỡ chữ

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại công nghiệp, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.400 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; trong đó có 2.936 cơ sở quy mô nhỏ, 425 cơ sở quy mô vừa và 39 cơ sở quy mô lớn. Mặc dù chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức.

Ngoài ra, chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này còn yếu; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.

Hướng tới mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022-2025 tăng bình quân 3,0%/năm, từng bước chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch chung xây dựng các xã.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu./.

Vũ Hằng