Bức tranh du lịch Long An đến thời điểm này vẫn còn khá rời rạc, manh mún và chưa mang lại hiệu quả cao giá trị kinh tế. Để phát triển ngành công nghiệp không khói này, tỉnh Long An cần phát triển du lịch gắn với lễ hội nông nghiệp sông nước.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: So với nhiều địa phương khác, Long An đã xây dựng khá hoàn chỉnh website và các ứng dụng quảng bá, tương tác trong lĩnh vực du lịch. Do đó, trong thời gian tới, ngành du lịch địa phương cần khai thác triệt để lợi thế tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú lâu đời. Nhất là phát huy du lịch lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp và di sản văn hóa.
Long An có vai trò cầu nối giữa vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và vùng ĐBSCL, kết nối với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, do đó rất thuận lợi trong phát triển du lịch. Việc quá gần TP.HCM có những trở ngại khi du khách chủ yếu đi ngang qua Long An để đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, nhưng đây là thuận lợi cho du lịch trong ngày, nếu thật sự chú trọng phát triển những sản phẩm đặc thù, gắn với hoạt động lễ hội.
Để phát triển bền vững, Tiến sỹ Trần Văn Thông, Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP.HCM cho rằng: Du lịch địa phương cần sớm cá biệt hóa du lịch lễ hội, tạo ra tính hấp dẫn cao; hình thành thương hiệu, sản phẩm đặc thù để ra sự cạnh tranh. Nếu có điều kiện, Long An nên xây dựng bảo tàng lịch sử, bảo tàng sinh học nông nghiệp của vùng để phục vụ du lịch trải nghiệm, giáo dục. Từ đó góp phần tạo nên động lực cho các sản phẩm du lịch khác cùng phát triển.
Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập - một trong những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm độc đáo ở Long An. Ảnh: Báo Đầu tư.
"Bảo tàng nông nghiệp thì thực ra nhiều nước làm. Long An chúng ta cũng nên thế, tập trung tất cả các làng nghề lại, rồi đóng vai nông dân qua các thời kỳ đó, như: xay bột, làm bánh, phục trang cũng đúng từng thời kỳ… Như vậy trong một không hẹp thôi, nhưng du khách vẫn nắm được bối cảnh rất rộng của chiều dài nền văn hóa, nắm được tất cả cuộc sống người nông dân bao quát được cả một vùng rộng lớn", Tiến sỹ Trần Văn Thông phát biểu.
Để làm được điều này, tỉnh Long An cần có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển du lịch giải trí, nghỉ dưỡng trải nghiệm gắn với nông nghiệp, gắn với các làng nghề... Sự hỗ trợ của sở ngành có liên quan và các doanh nghiệp đang được kỳ vọng tạo nên tính liên kết tour, tuyến tránh tình trạng manh mún, rời rạc để mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo Tiến sỹ Ngô Thị Thu Trang, Trung tâm phát triển nông thôn - Saemaul Undong, Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn TP.HCM: Làng Mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là một trong những điểm nhấn để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng cho địa phương: "Có những điểm du lịch đã phát triển đại trà thì khi chúng ta làm sẽ khó khăn hơn, làm sao chúng ta phải định hướng lại để cho bền vững. Thì với tờ giấy trắng trong chiến lược phát triển làng mai khi mà họ chưa có gì thì chúng ta có thể hướng dẫn. Như vậy sẽ mang lại tính bền vững nhiều hơn, không chỉ mang giá trị kinh tế đây còn là niềm tự hào của bà con cho việc phát triển nông nghiệp và tạo nên thương hiệu du lịch gắn với du lịch địa phương"./.
Theo Vinh Quang/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/du-lich/long-an-can-phat-trien-du-lich-gan-voi-le-hoi-nong-nghiep-song-nuoc-post956995.vov