Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ đạt 95,27% (28.519/29.936 tàu) tăng 5,01% so với trước. Các tỉnh đã thực hiện có kết quả như: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng… Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, các lực lượng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến đi khai thác. Từ quý 4/2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã làm thủ tục xuất, nhập bến cho trên 400 nghìn lượt tàu cá. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm. Từ quý 4/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80 nghìn lượt tàu cá; ngăn chặn, yêu cầu trên 200 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam.
Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, đến nay đã thực hiện tốt việc kiểm soát theo chuỗi, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu, kiểm soát nguyên liệu tại nhà máy chế biến.
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu từ khai thác ngoài vùng biển Việt Nam đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), cụ thể: Duy trì việc quản lý, theo dõi việc cấp xác nhận cho các lô hàng thủy sản được chế biến để xuất khẩu vào EU; đồng thời duy trì hoạt động thẩm tra. Tính đến nay chưa có lô hàng nào vướng mắc hoặc trả về; Thường xuyên kiểm tra, đặc biệt nơi có lô hàng bị cảnh báo từ phía EC; Thực hiện quy định của Hiệp định PSMA, đã công bố được 14 cảng chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng; triển khai phần mềm thực hiện Hiệp định PSMA và chuẩn bị các điều kiện kết nối với cổng thông tin một cửa Quốc gia.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài như: Duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không ngưới lái để tuần tra, kiểm soát; Lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo dõi, giám sát… Nhờ đó, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Công tác xử phạt tiếp tục được tăng cường, từ đầu năm 2022 đến nay đã xử phạt gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng. Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Một số tỉnh còn hạn chế như: Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Hải Phòng…
“Nhìn chung, tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương. Khung pháp lý và cơ chế chính sách cơ bản đã đầy đủ; tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, bất cập cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung” – ông Trần Đình Luân cho biết thêm.
Việc rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại các địa phương còn chưa đạt yêu cầu; đặc biệt là khối tàu từ 6 đến dưới 15 mét, mới đăng ký, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (44.339/60.419 chiếc, đạt 73%). Thực hiện việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu từ 15 mét trở lên đạt 96,7%; tuy nhiên đối với khối tàu dưới 15 mét mới đạt tỉ lệ 46,6%, đặc biệt tại một số tỉnh tỉ lệ cấp phép còn thấp như: Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, TP. HCM, Trà Vinh, Quảng Ninh.
Công tác triển khai Hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều bất cập. Hiện chỉ có các tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Sóc Trăng… hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS. Nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt thấp hơn trung bình cả nước như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bạc Liêu, Long An… Công tác trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá thiếu đồng bộ (hiện mới chỉ có 20 tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ); thực hiện quy định về quản lý thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá chưa đảm bảo. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến, tàu cá vượt ranh giới trên biển phát hiện qua VMS nhưng kết quả điều tra, xử phạt rất ít.
Công tác quản lý, thực thi các văn bản pháp luật về thủy sản còn nhiều hạn chế do tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực tại địa phương chưa đảm bảo. Chi cục Thủy sản là đơn vị được giao đầu mối tham mưu, biên chế giảm, khối lượng công việc tăng, thiếu đội ngũ đào tạo chuyên ngành khai thác thủy sản.
Ban quản lý cảng cá là đơn vị sự nghiệp, chức năng, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế.
Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đều là cán bộ kiêm nhiệm, số lượng người làm việc trực tiếp và điều kiện làm việc còn rất hạn chế.
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, việc thành lập kiểm ngư địa phương thuộc thẩm quyền của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay mới có 07/28 tỉnh ven biển được thành lập. Kiểm ngư địa phương, thanh tra chuyên ngành nhân lực còn thiếu, kinh phí còn ít, phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế…/.
Theo PV/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/dung-may-bay-khong-nguoi-lai-tuan-tra-kiem-soat-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post956805.vov