Sáng nay (1/10) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự hội nghị.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão số 4 dã đi qua nhưng hoàn lưu và ảnh hưởng của bão tiếp tục gây ra lũ lụt hết sức phức tạp ở khu vực miền Trung, nhất là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến nay, theo báo cáo đã có 7 người đã thiệt mạng ở Nghệ An; nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân thiệt hại. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người không may bị thiệt mạng vì lũ lụt ở Nghệ An; chia sẻ với những khó khăn, vất vả của lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể, nhân dân vùng lũ lụt vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 875/CĐ-TTg ngày 30/9 chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 4; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện này. Kinh nghiệm cho thấy nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là tình hình diễn biến phức tạp. Trước cơn bão số 4 đổ bộ, chúng ta đã tích cực, chủ động chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đề phòng, di dời dân theo tinh thần "4 tại chỗ", nhờ đó giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là không có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, sau bão một số địa phương có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không quyết liệt, nhất là nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Các địa phương cần hết sức chú ý vấn đề này, cần bám sát tình hình, diễn biến phức tạp của bão lũ, có hướng dẫn cho người dân, có những cái phải cương quyết để tránh sự cố chết người. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rút kinh nghiệm những vụ việc vừa rồi để làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc
Đề cập phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, đây là phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng năm 2022; đề nghị các đại biểu nghiên cứu tài liệu, nghe báo cáo, phát biểu tập trung vào các vấn đề: "Đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng qua để xem vấn đề gì nổi lên? Những kết quả mà chúng ta đạt được trong 9 tháng; những gì làm được, chưa làm được? nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở các cấp"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tháng 10 và những tháng còn lại của năm 2022 dự báo tình hình có những vấn đề gì có thể tác động lớn đất nước chúng ta, trên cơ sở đó có những nhiệm vụ giải pháp mới ngoài những biện pháp thường xuyên, để ứng phó kịp thời, hiệu quả; nhất là những tác động lớn tình hình kinh tế-xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng, đối ngoại.
Thủ tướng nêu rõ, 9 tháng qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, khác thường, khó lường, chưa có tiền lệ; ngay như vấn đề thiên tai, bão lũ cũng bất thường, phức tạp. Tuy nhiên, 9 tháng qua, chúng ta đã hoàn thành những mục tiêu lớn đề ra: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại, phù hợp tình hình quốc tế.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quý III tăng trưởng cao đạt 13,67% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng 8,83% cao nhất từ năm 2011 đến nay, đưa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực, tăng trưởng phục hồi trên cả 3 khu vực, trong đó khu vực thương mại, du lịch phục hồi nhanh.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%; các cân đối lớn được bảo đảm, thu NSNN đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; xuất đủ nhập – tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 6,52 tỷ USD; làm đủ ăn – xuất khẩu nông sản đạt gần 41 tỷ USD, cung cầu lao động, an ninh năng lượng được bảo đảm; bảo đảm cung ứng đủ các hoàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người dân và sản xuất, nhất là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và xăng dầu cho nền kinh tế; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu
Công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH và các chương trình mục tiêu quốc gia được tập chung chỉ đạo, thực hiện và đạt kết quả. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Đồng thời, quyết liệt xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19, tạo nền tảng quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH. Các hoạt động của người dân sôi động trở lại, các ngày lễ lớn, các sự kiện văn hóa - xã hội được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng.
An ninh trật tự được bảo đảm; đối ngoại được thúc đẩy toàn diện và cân bằng; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á trong đó Moody, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%. Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19 (Việt Nam có sự thay đổi rất nhanh từ vị trí 118 vào 12/2021; thứ 62 vào tháng 4/2022; thứ 14 vào tháng 5/2022 và nay là thứ 2./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-co-bieu-hien-lo-la-chu-quan-mat-canh-giac-sau-bao-o-mot-so-noi-post974382.vov