Chi phí nguyên liệu biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng không ổn định đó là khó khăn chung của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Thế nhưng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý; vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy, giúp chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục ghi nhận mức tăng trưởng ở 2 con số, là điểm sáng đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 15,06% so với cùng kỳ, được đánh giá là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 19/24 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, 5/24 ngành có chỉ số sản xuất giảm. Một số ngành công nghiệp trọng điểm phát triển ổn định và có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sản xuất linh kiện điện tử tăng hơn 20%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng gần 18%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng gần 17%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng hơn 14%; sản xuất thiết bị điện tăng gần 12%.
Để đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, tỉnh cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế; tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp FDI, hình thành môi trường thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, tạo hiệu ứng lan toả./.
Vũ Hằng