Cập nhật: 13/10/2022 07:30:00
Xem cỡ chữ

Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2020 do Việt Nam, Chủ tịch ASEAN khi đó chủ trì. Hội nghị nhằm mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận ở cấp cao nhất về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ.

Chiều ngày 12/10/2022 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ hai với sự tham gia của nguyên thủ các nước ASEAN và đại diện lãnh đạo nữ, doanh nhân nữ từ các nước ASEAN và đối tác. Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính và Lãnh đạo Chính phủ nhiều nước trong đó có Thủ tướng Lào, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng New Zealand, Bộ trưởng Tăng quyền cho phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia, Tổng Thư ký Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển Xã hội Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Quốc vụ khanh về phát triển gia đình và xã hội Singapore, Quốc vụ khanh phụ trách về phát triển Vương quốc Anh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

thu tuong du va phat bieu tai hoi nghi thuong dinh lanh dao nu asean lan thu 2 hinh anh 1

Đây là hoạt động tiếp theo sau Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2020 do Việt Nam, Chủ tịch ASEAN khi đó chủ trì. Hội nghị nhằm mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận ở cấp cao nhất về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, qua đó đặt phụ nữ vào trung tâm của các nỗ lực hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy sức mạnh tiềm tàng của phụ nữ, và khuyến khích nữ giới tham gia, phát triển và lãnh đạo.

Thủ tướng Hunsen, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo đánh giá cao thành công của sáng kiến, coi đó là dấu mốc quan trọng thể hiện coi trọng đối với giá trị và vai trò cốt lõi của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực và cam kết cao của ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới. Đặc biệt, sau phát biểu của đại diện lãnh đạo nữ Việt Nam, Thủ tướng Hunsen gửi lời cảm ơn tới những người phụ nữ Việt Nam đã gửi những người chồng, người con đến Campuchia giúp người dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng, đánh giá cao đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Với chủ đề “Xây dựng một tương lai ngày càng bền vững, bao trùm và tự cường: khơi dậy tiềm năng kinh doanh của phụ nữ trong ASEAN”, Hội nghị năm nay thảo luận các biện pháp nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng kinh doanh của phụ nữ trong ASEAN, đóng góp vào quá trình mở cửa và phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng như của Cộng đồng ASEAN. Phụ nữ là lực lượng xương sống của nền kinh tế ASEAN, trong đó tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp ngày càng tăng, chiếm phần lớn trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và cũng là nhóm đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cần được ưu tiên trong chương trình nghị sự khu vực.    

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nữ trong phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam và khu vực. Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong hợp tác với các nước ASEAN để thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đóng góp vào một tương lai ngày càng bền vững, bao trùm và tự cường của khu vực và trên thế giới.

Trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, Việt Nam khẳng định nỗ lực đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một ưu tiên quan trọng; nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng kinh doanh của phụ nữ; đóng góp vào một tương lai ngày càng bền vững, bao trùm và tự cường của khu vực và trên thế giới.

thu tuong du va phat bieu tai hoi nghi thuong dinh lanh dao nu asean lan thu 2 hinh anh 2

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp và doanh nhân nữ đóng góp một cách “bền vững” vào quá trình phát triển; hình thành hệ thống thể chế, pháp lý và chính sách đồng bộ, làm nền tảng cho việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ và tạo dựng môi trường kinh doanh có đáp ứng về giới, tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận, tham gia tích cực ngay trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Lồng ghép giới cần được thực hiện một cách“bao trùm”, rộng khắp cấp độ quốc gia, khu vực; trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và ở tất cả các chương trình, kế hoạch; đặc biệt trong những lĩnh vực, ngành nghề có sự tham gia của nhiều lao động nữ.

Trong môi trường kinh doanh không ngừng biến động ngày nay, các doanh nghiệp và doanh nhân nữ cần được hỗ trợ nâng cao năng lực “tự cường”; vừa đủ sức chống chọi với các cú sốc bên ngoài, vừa linh hoạt, thích ứng, nắm bắt những trào lưu, cơ hội phát triển mới như chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.”

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dù là giải pháp gì, cũng cần phải có những chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ cần được tiếp tục đẩy mạnh ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để mọi tiềm năng kinh doanh và sức mạnh của “một nửa thế giới” được phát huy đầy đủ và mạnh mẽ.

Thủ tướng cho biết ở Việt Nam lấy Ngày 20/10 là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ. Nhân hội nghị quan trọng hôm nay và cũng nhân dịp Ngày 20/10 sắp đến, Thủ tướng chúc sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa và tin tưởng rằng, khi được tôn vinh và trân trọng đúng mức, những người phụ nữ sẽ tỏa sáng và phát huy sức mạnh không giới hạn, đóng góp nhiều hơn nữa vào xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững của ASEAN và thế giới./.

Theo Vũ Khuyên/VOV

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-du-va-phat-bieu-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-lanh-dao-nu-asean-lan-thu-2-post976875.vov