Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xác định rõ lộ trình phù hợp để thực hiện, tháo gỡ vướng mắc, không để lãng phí thời gian, công sức chỉ vì thủ tục hành chính hay sự quan liêu, tắc trách của người thực thi công vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh điều này khi chủ trì Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo, sáng 19/19. Đây là phiên họp nhằm đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, triển khai những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2022.
Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, trong 9 tháng qua, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đặc biệt đã ban hành Nghị định về tổ chức bộ máy của 11 bộ, cơ quan, qua đó giảm 7 tổng cục, 10 cục, 60 vụ thuộc bộ và thuộc tổng cục và 9 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trình Bộ Chính trị đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022-2026 để tháo gỡ việc thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.
Nhiều văn bản quan trọng được ban hành. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục được hoàn thiện, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
Các nền tảng, hệ thống thông tin hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được vận hành, phát triển. Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được xây dựng, đưa vào vận hành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân; cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân.
Phải thực hiện quyết liệt hơn nữa
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 mặt công tác của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình; từ đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các tháng cuối năm 2022, với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Theo Thủ tướng, cải cách hành chính là một khâu quan trọng, đột phá phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành. Đầu tư cho cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hành chính là đầu tư cho phát triển và lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm. Việc này tuy khó khăn phức tạp, nhạy cảm vì đụng đến tổ chức, con người, nhưng khó mấy cũng phải làm trên tinh thần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy.
Xác định rõ lộ trình phù hợp để thực hiện, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển; không để lãng phí hời gian, công sức chỉ vì thủ tục hành chính hay sự quan liêu, tắc trách của người thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại trong năm đã được đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, được giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy công tác cải cách hành chính; quan tâm bố trí nhân lực và các nguồn lực cần thiết; chỉ đạo kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Thủ tướng yêu cầu thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp, pháp luật; nhanh chóng đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống; Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ cần hoàn thành ngay trong thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; Cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai, kịp thời và thực hiện tham vấn các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Trong tháng 12/2022 phải hoàn thành việc chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; Tổ chức kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ; phấn đấu trong tháng 11/2022, chậm nhất trong quý I năm 2023 hoàn thành việc Hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất của bộ, tỉnh.
Bên cạnh đó thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các đại biểu dự phiên họp
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số.
Thủ tướng nhấn mạnh trong tháng 10/2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-khong-de-lang-phi-thoi-gian-cong-suc-vi-thu-tuc-hanh-chinh-va-quan-lieu-post978280.vov