Từ những nền kinh tế khó khăn như Rumani tới những nền kinh tế giàu có như Đức hay Pháp, châu Âu đang phải đối mặt với nhiều cuộc đình công và biểu tình lan rộng do giá năng lượng cao và chi phí sinh hoạt ngày một leo thang.
Giới chuyên gia lo ngại, sự thất vọng của người dân đối với các chính phủ ngày càng tăng có thể sẽ gây bất ổn chính trị trên phạm vi rộng. Quỹ tiền tệ quốc tế hôm qua cũng bày tỏ bi quan về triển vọng khu vực trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, gây căng thẳng cho các nền kinh tế.
Tại Rumani, một cuộc biểu tình quy mô lớn, với sự tham gia của hàng nghìn người đã diễn ra để bày tỏ sự thất vọng về chi phí sinh hoạt tăng cao, mà theo các tổ chức là đang khiến hàng triệu công nhân rơi vào cảnh nghèo đói. Còn tại Pháp, nơi lạm phát đang ở mức 6,2%- thấp nhất trong 19 quốc gia khu vực đồng euro, người dân đã xuống đường yêu cầu tăng lương để bắt kịp với tốc độ leo thang của lạm phát. Trong khi đó, nhân viên đường sắt tại Anh và phi công tại Đức tổ chức các cuộc đình công để yêu cầu tăng lương trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu không ngừng tăng lên.
Nguy cơ suy thoái toàn cầu hiện hữu. (Ảnh: Reuters)
Theo nhiều chia sẻ của công nhân đường sắt tại Anh:
“Tiền lương không tăng, trong khi giá các mặt hàng leo thang chóng mặt. Trung bình mọi người đã mất khoảng 10% sức mua. Lương càng thấp, mọi người rõ ràng sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi trả tiền thuê nhà và các nhu cầu thiết yếu khác".
“Chúng tôi phản đối sự gia tăng của chi phí sinh hoạt. Giá hàng hóa cơ bản tăng, chi phí năng lượng tăng gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống. Chúng tôi kêu gọi một mức lương hợp lý hơn để có thể theo kịp với tốc độ giá cả leo thang như hiện nay".
Trong bối cảnh Thủ tướng Anh Liz Truss buộc phải từ chức chưa đầy 2 tháng sau khi các kế hoạch kinh tế của bà gây hỗn loạn thị trường tài chính và làm tổn hại thêm nền kinh tế ốm yếu, thách thức đặt ra với các nhà lãnh đạo chính trị cũng trở nên rõ ràng hơn.
Theo tổ chức Bruegel ở Bruxelles, mặc dù giá khí đốt tự nhiên giảm từ mức cao kỷ lục trong mùa hè và các chính phủ phân bổ khoản cứu trợ năng lượng khổng lồ lên tới 576 tỷ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 9/2021, song điều đó dường như vẫn là chưa đủ. Giá năng lượng đã khiến lạm phát tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro lên mức kỷ lục 9,9%, khiến người dân khó mua những thứ họ cần hơn.
Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đưa ra dự báo bi quan về triển vọng kinh tế của châu Âu, với tăng trưởng dự kiến 3,2% trong năm nay và 0,6% vào năm tới. Theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế Nadia Calvino, một trong những rủi ro chính trong ngắn hạn là sự gián đoạn hơn nữa nguồn cung cấp năng lượng, kết hợp với mùa đông lạnh giá, có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt và khó khăn kinh tế sâu sắc hơn.
“Môi trường hiện nay rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại, chi phí sinh hoạt này càng tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Những thay đổi sâu sắc liên quan đến số hóa, biến đổi khí hậu, cũng như sự thay đổi địa chính trị đang diễn ra, làm gia tăng bất bình đẳng ở nhiều quốc gia" -Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế Nadia Calvino cho biết.
Với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine, cả về tài chính và quân sự, các nước châu Âu đã cam kết hoặc buộc phải giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Tuy nhiên theo công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng và có nguy cơ làm xói mòn niềm tin của công chúng. Thậm chí, nếu nguồn cung cấp khí đốt vào mùa đông này bị gián đoạn, châu Âu có thể sẽ phải chứng kiến tình trạng bất ổn gia tăng hơn nữa./.
Theo Thu Hoài/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/chau-au-nguy-co-bat-on-do-lam-phat-imf-dua-ra-du-bao-bi-quan-post979327.vov