Cập nhật: 28/10/2022 15:08:00
Xem cỡ chữ

Tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheongbuk - Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị năm 2008 và Thoả thuận nâng cấp quan hệ kết nghĩa vào năm 2013.

Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh đã có những bước phát triển toàn diện với những hoạt động hợp tác thiết thực. Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Chungcheongbuk – Hàn Quốc không dừng lại ở thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp mà khá toàn diện ở cả lĩnh vực nông nghiệp. Một trong những hoạt động hợp tác thiết thực để lại nhiều dấu ấn đó là hợp tác phát triển nghề nuôi ong lấy mật giữa Làng ong xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch với làng ong Chungju tỉnh Chungcheongbuk.

Cứ mỗi dịp rảnh rỗi, Ông Trần Quốc Tuấn ở thôn Ba Trung và ông Nguyễn Đình San thôn Sơn Kịch xã Quang Sơn huyện Lập Thạch lại gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về nghề nuôi ong lấy mật. Ông Tuấn và Ông San là những hội viên đầu tiên của làng ong Quang Sơn sang Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm phát triển nghề nuôi ong lấy mật trong chương trình hợp tác phát triển nghề nuôi ong lấy mật giữa Làng ong xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch với làng ong Chungju tỉnh Chungcheongbuk – Hàn Quốc. Dù thời điểm sang Hàn Quốc đã cách đây gần 10 năm nhưng mảnh đất, con người Hàn Quốc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những hội viên làng ong Quang Sơn.

Theo chương trình hợp tác phát triển nghề nuôi ong lấy mật giữa Làng ong xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch với làng ong Chungju tỉnh Chungcheongbuk – Hàn Quốc, đã có 7 hội viên làng ong Quang Sơn sang tỉnh Chung Cheongbuk học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Trong đó, ông Trần Quốc Tuấn ở lại Hàn Quốc 45 ngày, ông Nguyễn Đình San có 3 lần sang Hàn Quốc với tổng thời gian 3 năm để học tập kinh nghiệm phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Với những kinh nghiệm đã học tập được ở nước bạn, các hội viên làng ong Quang Sơn huyện Lập Thạch đã trở về địa phương ứng dụng vào thực tiễn và phát huy hiệu quả kinh tế. Trong đó, Ông Trần Quốc Tuấn thôn Ba Trung đã phát triển đàn ong từ 70 đàn lên 300 đàn, mở rộng địa bàn khai thác mật ong sang nhiều tỉnh khu vực phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang. Trung bình mỗi năm, mô hình nuôi ong của gia đình ông Tuấn cho thu hoạch 2 tấn mật ong xuất ra thị trường. Không những phát triển đàn ong, ông Tuấn còn cung cấp giống, các sản phẩm từ ong cho thị trường, trừ chi phí hàng năm thu lãi trên 500 triệu đồng.

Đến nay, toàn xã Quang Sơn có 40 hộ nuôi ong với tổng số trên 1000 đàn ong. Từ nghề nuôi ong lấy mật, nhiều hộ đã có thu nhập cao, kinh tế ổn định. Với kinh nghiệm học hỏi được từ quan hệ hợp tác với làng ong Chungju tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc tiếp tục là những điều kiện thuận lợi để làng ong Quang Sơn không ngừng lớn mạnh và nghề nuôi ong lấy mật trở thành nghề góp phần phát triển kinh tế của địa phương./.

Ngọc Anh