Cuộc xung đột ở Ukraine được giới chuyên gia nhận định sẽ gây ra những tác động dài hạn đến tương lai quan hệ quốc tế từ dòng chảy năng lượng cho đến vấn đề lương thực và mối quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Đầu tiên, cuộc xung đột này sẽ đẩy nhanh quá trình phi toàn cầu hóa, đặc biệt trong ngành năng lượng và lương thực. Cuộc xung đột cũng có nguy cơ dẫn đến những đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây trong khi những rạn nứt của mối quan hệ này sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định toàn cầu.
Giới quan sát đánh giá, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng nhiều tác động trước đó của đại dịch Covid-19 đến quan hệ quốc tế. Một tác động chủ yếu của cuộc khủng hoảng kép này là chúng đã thúc đẩy đáng kể quá trình phi toàn cầu hóa khi làm gián đoạn các chuỗi cung ứng. Cả hai cuộc khủng hoảng đều là nhân tố tác động khiến các quốc gia tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề trong nước. Họ dựng lên những hàng rào đối với dòng chảy hàng hóa và dòng vốn để bảo vệ lợi ích của mình cũng như áp dụng những định nghĩa rộng hơn về an ninh quốc gia.
Giống như đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine được dự đoán sẽ kéo dài nhiều năm và sẽ gia tăng tác động như một động lực thúc đẩy dài hạn quá trình phi toàn cầu hóa. Cả Nga và Ukraine đều muốn kiểm soát nhiều lãnh thổ nhất có thể và duy trì ưu thế, cho rằng thời gian đang đứng về phía mình và không tin tưởng đối phương. Giới phân tích cho rằng các lệnh ngừng bắn có thể diễn ra nhưng hòa bình lâu dài là điều không chắc chắn.
Dịch chuyển dòng chảy năng lượng thế giới
Xung đột ở Ukraine sẽ thúc đẩy quá trình phi toàn cầu hóa theo một vài cách thức. Đầu tiên, cú sốc với hàng hóa và nguồn cung mà cuộc xung đột này gây ra sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách có xu hướng khuyến khích duy trì sự dư thừa trong chuỗi cung ứng cũng như khu vực hóa và tích trữ.
Thứ hai, quy mô và mức độ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ khiến các quốc gia khác lo ngại rằng họ hoặc đối tác thương mại chủ chốt của họ có thể là mục tiêu tiếp theo.
Thứ ba, sự cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ ngày càng gia tăng.
Cuối cùng, bản thân các công ty chịu ảnh hưởng của những rủi ro nhập khẩu và các cú sốc về giá cả nên cũng có xu hướng sản xuất dư thừa và tích trữ.
Quá trình phi toàn cầu hóa do cuộc xung đột ở Ukraine thúc đẩy cũng sẽ có những tác động lâu dài đến thị trường năng lượng.
Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra và châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, Mỹ đã tăng cường cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho khu vực này. Hiện Mỹ bán khoảng 2/3 LNG của mình cho châu Âu, gần gấp đôi mức trước xung đột, chiếm khoảng 15% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Nếu các mục tiêu trong tuyên bố chung gần đây của Mỹ và EU được đáp ứng, con số này sẽ tăng lên hơn 20%. Vai trò của Mỹ trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu đã tăng đáng kể, thậm chí giữa bối cảnh mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu đang giảm. Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược của châu Âu trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng được củng cố. Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô được giảm giá từ Nga khi tăng khoảng 300.000 thùng/ngày và sự hợp tác này có thể sẽ mở rộng giữa bối cảnh Nga giảm nguồn cung sang châu Âu.
Một mối quan hệ về năng lượng đáng chú ý nữa là mối quan hệ giữa Trung Đông và châu Á. Châu Á đang xây các nhà máy lọc dầu và các nước Trung Đông đang tìm cách cung cấp dầu thô cho thị trường này.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất vẫn quyết định duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga và OPEC+, trong khi từ chối tăng cường sản xuất theo đề nghị của Washington. Quyết định của OPEC+ khi cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày đã minh chứng cho điều này. Theo thời gian, đặc biệt khi thị trường không quá thắt chặt và phương Tây có thể lựa chọn các nhà sản xuất cho mình, Saudi Arabia sẽ tìm kiếm những khách hàng sẵn sàng hợp tác hơn ở châu Á.
Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường mua dầu thô giá rẻ từ Nga với việc tăng từ 30.000 thùng/ngày trước chiến tranh lên 800.000 thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. New Delhi cũng sẽ tăng cường các hợp đồng về năng lượng với Trung Đông. Trong khi đó, các nhà cung cấp Tây Phi sẽ hướng đến thị trường châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga. Các nhà cung cấp Đông Phi sẽ hướng nhiều hơn đến thị trường châu Á.
Tác động đến an ninh lương thực
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng dẫn những vấn đề về an ninh lương thực. Đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá lương thực tăng đáng kể. Theo Chỉ số Lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), mức giá lương thực trung bình đã giảm từ tháng 1 - 5/2020. Nhưng khi các hoạt động kinh tế và chuỗi cung ứng bị đe dọa, giá lương thực đã tăng lên hơn 33% so với thời kỳ trước khủng hoảng vào tháng 2/2022. Giá lương thực tăng vọt vào tháng 3 khi xung đột ở Ukraine nổ ra giữa bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Moscow và Kiev làm gián đoạn việc vận chuyển ngũ cốc từ Biển Đen ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, với việc giá hàng hóa giảm sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc qua sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nhà kinh tế học dự đoán lạm phát lương thực đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, xung đột luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường và sau khi cáo buộc cáo buộc Ukraine tiến hành tấn công UAV quy mô lớn nhằm vào các tàu của Hạm đội Biển Đen và tàu dân sự đảm bảo an ninh cho hành lang ngũ cốc, Nga đã thông báo dừng tuân thủ việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc trên.
Cuộc xung đột ở Ukraine làm gia tăng mối lo ngại của nhiều nhà lãnh đạo về sự phụ thuộc và hệ thống lương thực quốc tế vốn đã mong manh. Mặc dù không phải lúc nào cũng có mối liên hệ trực tiếp nhưng lạm phát lương thực và đói nghèo thường gây gia tăng tình trạng bất ổn xã hội. Theo dữ liệu từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tổng số các cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn trên toàn cầu dường như giảm trong năm 2022 nhưng tần suất của các cuộc biểu tình liên quan đến nông nghiệp và lương thực lại tăng đáng kể.
Khoét sâu rạn nứt giữa Nga và phương Tây
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vốn đã căng thẳng nay lại càng xấu đi. Rủi ro nghiêm trọng nhất hiện nay là nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Nga và NATO. Giới quan sát cho rằng cuộc chiến này khó có khả năng xảy ra bởi hai bên sẽ phải trả giá rất đắt. Tuy nhiên, giữa bối cảnh phương Tây không ngừng bơm vũ khí cho Ukraine và Nga nhấn mạnh yêu cầu cần kiểm soát Donbass, rủi ro xung đột là điều có thể hiểu được. Những cảnh báo của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân cũng khiến phương Tây "đứng ngồi không yên".
Nhìn chung, cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy phi toàn cầu hóa trong lĩnh vực năng lượng tức là thị trường không còn là nhân tố duy nhất chi phối đến các dòng chảy năng lượng. Thay vào đó, địa chính trị đóng vai trò ngày càng gia tăng trong sự hợp tác giữa các quốc gia về năng lượng. Cuộc khủng hoảng này cũng tác động dài hạn đến thị trường lương thực toàn cầu.
Đối với mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, xung đột ở Ukraine khiến mối quan hệ này ngày càng bấp bênh. Rủi ro của việc phản ứng thái quá trước một cuộc khủng hoảng hoặc một sự cố dẫn đến leo thang đã gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, những thách thức này cũng là cơ hội để các bên đánh giá về hành động của mình và đối phương để làm mọi cách ngăn xung đột Nga và NATO nổ ra./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tac-dong-cua-xung-dot-nga-ukraine-den-tuong-lai-quan-he-quoc-te-post980712.vov