Cập nhật: 31/10/2022 08:50:00
Xem cỡ chữ

Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở thêm cơ hội lựa chọn. Nhưng vài năm trở lại đây, đấu giá lại trở thành một thị trường đầu cơ mới. Các ô trúng đấu giá được mua đi bán lại, nhằm tạo nên cơn sốt đất. Nếu không bán được, nhà đầu tư lập tức bỏ cọc. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương có nhu cầu thực sự về đất ở lại không thể với tới, vì giá đấu lên quá cao.

Tháng 3/2022, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Vĩnh Phúc đã công bố 50 khách hàng trúng đấu giá 50 ô đất tại thôn Nhân Lý, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, chỉ có 5 khách hàng trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước, còn 45 ô khách hàng chấp nhận bỏ cọc không đóng tiền trúng đấu giá, UBND Huyện Tam Đảo đã ban hành quyết định hủy bỏ kết quả trúng đu giá với 45 ô đất này.

Tại khu đất đấu giá ở thị trấn Hợp Châu, có 25 ô đất đã được công bố kết quả trúng đấu giá vào tháng 6/2022. Đa số người trúng đấu giá đều ở địa phương khác, với giá đấu trúng rất cao, gấp đôi, thậm chí có những ô đất còn lên gấp 3 lần so với giá khởi điểm, ví dụ như thửa đất L5.11 có giá khởi điểm là 15 triệu/m2 nhà đầu tư đã đấu lên hơn 40 triệu/m2. Tuy nhiên, trong số 25 ô đất trúng đấu giá thì chỉ có 15 ô đất người trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước, còn 10 ô đất, người trúng “bỏ cọc”.

Hiện nay, UBND Huyện Tam Đảo đang tiến hành khảo sát và xác định lại giá khởi điểm sát với thực tế chuyển nhượng trên thị trường để trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức đấu giá lại những ô đất nhà đầu tư không hoàn thành việc nộp tiền trúng đấu giá.

Khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, giá trị thực của các ô đất thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá. Vì vậy, các nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ bằng việc chịu mất cọc là tình trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay./.

Đặng Thưởng