Từ lâu, những vườn hồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã là thương hiệu quá đỗi quen thuộc đối nhiều người. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, khi người dân bắt đầu đưa loại nông sản đặc thù này của địa phương vào chế biến theo hình thức “treo gió” càng làm cho nó thêm phần nổi tiếng và đa dạng thêm sản phẩm nông sản - du lịch của thành phố ngàn hoa.
Du khách check-in bên cạnh không gian hồng treo gió
Có mặt tại cơ sở chế biến hồng treo gió “Lễ Vân” có địa chỉ tại 45 Khe Sanh (P. 10, TP. Đà lạt), chúng tôi vô cùng ấn tượng với hàng ngàn quả hồng đỏ rực được treo trên các dây để hong gió. Những quả hồng đã treo được vài ngày đang bắt đầu quá trình tạo mật và tiết ra những mùi thơm vô cùng dễ chịu.
Cũng tại đây, chúng tôi quan sát thấy có khá đông du khách đến tham quan. Chị Lê Thị Thu Thủy, một du khách đến từ Hà Nội vui vẻ cho biết: “Trước đây, do đã từng được thưởng thức đặc sản hồng treo gió nên lần này có dịp đi du lịch tại Đà Lạt, bản thân tôi thực sự rất muốn được trải nghiệm thực tế quy trình làm hồng treo gió của những người dân ở đây. Cảm giác vừa được tham quan và thưởng thức những quả hồng treo gió tại chỗ thực sự rất ngon và thú vị”.
Trong khi đó, bạn Lê Thúy lại có những cảm nhận khác: “Mình vốn ở Ninh Thuận nên chỉ tầm hơn 2 giờ đồng hồ đi ô tô là đã có thể có mặt tại Đà Lạt; vì vậy năm nào vào mùa hồng là mình lại rủ bạn bè thu xếp công việc lên Đà Lạt du lịch. Cảm giác được lang thang trong các vườn hồng vàng rực rồi tự tay hái những quả chín mọng ăn ngay dưới gốc thật không thể tả bằng lời”.
Bà Đặng Thị Thu Vân - chủ cơ sở hồng treo gió Lễ Vân cho biết, hiện mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến đây để tham quan, chụp ảnh check-in. “Do chúng tôi không thu vé hay bắt buộc khách du lịch phải mua hàng nên rất đông du khách đến đây để tham quan”.
Bên cạnh đó, những khu, điểm du lịch, những quán cà phê có view ngoài trời tại Đà Lạt cũng tranh thủ thiết kế các không gian ấn tượng về hồng để thu hút du khách tìm đến check-in, thưởng lãm. Có dịp ghé thăm Đà Lạt vào những tháng cuối năm thì món quà mang về không thể thiếu một ít hồng treo gió đối với mỗi du khách.
Bà Đặng Thị Thu Vân, một trong những người đầu tiên làm hồng treo gió tại Đà Lạt
Công phu quy trình treo gió
Thông thường, mùa sản xuất hồng treo gió sẽ kéo dài từ khoảng đầu tháng 10 đến đầu tháng 12 dương lịch. Đây là thời điểm mùa hồng rộ và cho những quả ngon nhất, chất lượng nhất để làm hồng treo gió.
Là một trong những người đầu tiên tại Đà Lạt thực hiện mô hình hồng treo gió, bà Vân cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề làm hồng từ hàng chục năm nay. Từ những năm 1984 chúng tôi đã thực hiện mô hình sản xuất hồng sấy tại địa phương. Tuy nhiên, cho đến khoảng năm 2012, khi được những nông dân sản xuất hồng treo gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đến Đà Lạt hướng dẫn phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên thì chúng tôi mới bắt tay vào thực hiện quy trình sản xuất hồng treo gió”.
Theo bà Vân, để có được một mẻ hồng treo gió cung ứng ra thị trường đòi hỏi rất nhiều quy trình và công đoạn, từ công đoạn lựa chọn sao cho những quả hồng đẹp nhất, to nhất đặc biệt là không được chín quá nhưng cũng không được xanh quá thì mới có thể làm được hồng treo. Sau đó, là các khâu xử lý khác hết sức công phu như gọt vỏ, xử lý sạch, treo gió, “mát-xa” quả mỗi ngày.
Mùa hồng Đà Lạt (Lâm Đồng) bước vào chính vụ
“Thông thường từ lúc bắt đầu treo đến lúc thu hoạch sẽ kéo dài khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, để có được những quả hồng sau khi treo gió đạt chất lượng thì yếu tố thời tiết là vô cùng quan trọng. Nhiệt độ thích hợp nhất rơi vào khoảng 20 – 25 độ C. Chính vì vậy, khi thời tiết không thuận lợi thì cả mẻ hồng coi như bỏ đi. Ví dụ vừa qua do ảnh hưởng của các cơn bão, mưa nhiều nên gần như toàn bộ số hồng treo tại cơ sở đều bị hư và phải bỏ đi”, bà Vân chia sẻ thêm.
Ngoài số lượng hồng trồng được của gia đình, mỗi tháng cơ sở này còn phải đi thu gom của các hộ dân trồng hồng ở Đà Lạt khoảng vài chục tấn để về làm hồng treo.Với giá thành khoảng 500 ngàn đồng cho một kg hồng treo gió. Sản xuất được bao nhiêu thì sẽ bán hết ra thị trường bấy nhiêu. Sắp tới địa phương còn có lễ hội Festival hoa Đà Lạt nên dự báo nhu cầu sẽ tăng cao nhưng không có đủ sản phẩm để cung ứng.
Hiện nay, tại Đà Lạt có rất nhiều hộ dân sản xuất hồng treo, tuy nhiên đa số đều treo trong nhà kính. Với việc hồng được treo trong nhà kính thì chất lượng sẽ không thể bằng với những quả hồng treo gió với vì nhiệt độ trong nhà kính sẽ nóng hơn rất nhiều làm cho quả hồng sẽ bị chai đi dẫn đến sản phẩm sẽ không ngon, dẻo và ngọt bằng.
Theo nhiều tài liệu của địa phương, hồng có mặt tại Đà Lạt từ những năm cuối thế kỷ IXX do những người Pháp mang giống đến đây để trồng thử nghiệm. Sau đó nhận thấy vùng đất này thích hợp với cây hồng nên đã được nông dân trồng nhiều hơn. Đến nay theo thống kê, diện tích trồng hồng tại Đà Lạt khoảng 370 ha với sản lượng gần 13.000 tấn quả hồng tươi. Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, năm 2020 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Bên cạnh đó, hiện nay hồng Đà Lạt cũng đã được tỉnh đưa vào danh sách những món ăn đặc trưng của địa phương cũng như đưa loại nông sản độc đáo này lên sàn thương mại điện tử.
Theo THÀNH KHIÊM/baovanhoa.com.vn
http://baovanhoa.com.vn/du-lich/artmid/416/articleid/57744/mua-hong-da-lat-hut-khach-du-lich